Đánh thuế căn hộ trên 50 triệu đồng/m2: Cần xem xét kỹ lưỡng

Việc đánh thuế cao với căn hộ chung cư có giá trên 50 triệu đồng/m2 nhằm thực hiện điều tiết đối với căn hộ cao cấp.

Dự thảo Luật Thuế bất động sản đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm đó là đánh thuế cao với căn hộ chung cư có giá trên 50 triệu đồng/m2 nhằm thực hiện điều tiết đối với căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, ghi nhận tại các thành phố lớn, mức giá này chỉ tương đương với căn hộ bình dân và trung cấp.

Trên thực tế, chi phí đầu tư xây dựng căn hộ chung cư tăng cao, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá chào bán các căn hộ rơi vào khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số dự án căn hộ tại TP Hồ Chí Minh, giá chào bán có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi m2, tức là cao gấp nhiều lần so với mức đề xuất 50 triệu đồng.

Các đơn vị nghiên cứu bất động sản nhận định, thay vì thực hiện chính sách cào bằng mức giá chung cho cả nước, có thể tùy vào từng địa phương bởi căn hộ giá 50 triệu đồng/m2 tại TP Hồ Chí Minh chỉ có ở những dự án bình dân, sản phẩm dành cho người có nhu cầu ở thực.

Đánh thuế căn hộ trên 50 triệu đồng/m2: Cần xem xét kỹ lưỡng - Ảnh 1.

Các đơn vị nghiên cứu bất động sản nhận định, thay vì thực hiện chính sách cào bằng mức giá chung cho cả nước, có thể tùy vào từng địa phương. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Những người đó là những người sẽ dẫn dắt thị trường, dù khi anh có đầu tư thì sản phẩm đó sẽ đến người ở thực và người ở thực họ có chấp nhận hay không thì đó là vấn đề. Việc đánh thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng đến tổng giá trị của một căn hộ và có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người mua", bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Nghiên cứu Savills Việt Nam, đánh giá.

"Tôi cho rằng, đối với TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, nếu chúng ta tính lũy kế mức thuế thì chúng ta xem xét mức giá căn hộ phù hợp hơn như mức 80 - 90 triệu đồng/m2. Còn đối với tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng hay vùng lân cận thì ta có thể xem xét mức giá 50 triệu đồng", ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, nói.

Ở góc nhìn từ chuyên gia, việc dùng phương giá để áp thuế nhà ở là có căn cứ và đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên nếu áp dụng loại thuế này ở Việt Nam cần phải xem xét kỹ lưỡng 4 yếu tố: thứ nhất là căn cứ giá và hệ thống pháp lý cho việc xác định giá; thứ hai là cơ sở hạ tầng về dữ liệu liên quan đến phát triển nhà ở, giá bán và ghi nhận giao dịch; thứ ba là áp thuế vào giá bán cần theo điều kiện phát triển của từng vùng, địa phương; cuối cùng là xem xét đến yếu tố thuế chồng thuế.

"Bởi vì đôi khi người mua sản phẩm tài sản giá ban đầu đã cao, đóng thuế một lần, việc định thuế cho những lần giao dịch tiếp theo tài sản hay khai thác tài sản thì giá nhà cao như vậy, thậm chí giá nhà còn liên quan đến giao dịch và thị trường, định giá trên thị trường, tăng giá theo thời gian..., những điểm này cần phải xem xét dựa trên thực tế phù hợp", ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Ngoài ra, để hạn chế số lượng nhà ở cao cấp cũng cần có sự điều tiết nguồn cung từ cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội; đồng thời giải quyết bài toán về giao thông, quỹ đất, cơ chế chính sách để tạo ra được nguồn cung nhà ở mang tính chất bền vững và có cơ sở tính thuế.