"Một phút bốc đồng, bỗng lời tiền tỷ" – Đó là lời mà người thân, bạn bè hay nhắc đến, khi biết được câu chuyện bán nhà trong tích tắc để đầu tư bất động sản của chị N.T.C.
Đến bây giờ, dù thừa nhận bản thân "liều" và "bốc đồng" nhưng chị C. lạc quan cho rằng: "Nếu không có phút như vậy, không biết đến bao giờ mới có tiền".
Năm 2018, trong một lần cùng chồng đến nhà khách hàng đưa bản vẽ thiết kế căn hộ, chị N.T.C tình cờ biết được căn liền kề bên cạnh đang được rao bán với mức giá 5.8 tỷ. "Tự dưng tôi thấy căn liền kề rất tiềm năng, có thể tăng giá nên nói với chồng: "Về bán nhà đi, mua căn liền kề này". Chồng tôi chỉ bảo: "Tuỳ". Nghĩ là làm, tôi về rao bán luôn căn nhà ở quận Tây Hồ" – chị C. kể.
Căn nhà mà vợ chồng chị C. dành nhiều tâm huyết, tự tay thiết kế.
Căn nhà ở quận Tây Hồ được chồng chị tự tay thiết kế, và xây dựng năm 2011 với chi phí lên tới 1,8 tỷ đồng (chưa tính chi phí đất). Chị tâm sự, với nhiều người, họ không muốn bán căn nhà đã từng gắn bó với mình bao nhiêu năm, nơi chứng kiến khoảnh khắc con cái lớn lên. Nhưng chị lại khác. Chị xác định đây là một canh bạc đầu tư nên trong một tâm thế bán mà không tiếc.
Không thông qua môi giới, chị C. tự đăng bán nhà trên trang cá nhân. Đúng 3 ngày sau khi rao bán căn nhà trên facebook, một đôi vợ chồng trả 4.3 tỷ đồng. Chị vay thêm hơn tỷ đồng để thanh toán đủ 5,8 tỷ căn nhà liền kề trên đường Trần Hữu Dực.
"Bán nhà xong, gia đình tôi chuyển tới ở nhờ căn chung cư tại Mỹ Đình của người chú đang để không. Tuy nhiên, mọi chuyện bất ngờ không diễn ra theo như kế hoạch. Hơn 1 tháng sau, chú tôi cần tiền mua đất nên đã muốn lấy lại căn nhà để bán cho khách. Thời điểm này, chồng tôi cũng gặp khó khăn trong kinh doanh.
Bây giờ, cả nhà đi thuê cũng không ổn vì phải có nhà ổn định cho con cái đi học. Tôi lại liều đi vay tiền bạn bè, ngân hàng để mua lại căn chung cư của chú tôi. May mắn là chú cho nợ 1 nửa và giảm giá nhà so với giá thị trường lúc bấy giờ" – chị C. kể.
Chưa đầy 2 tháng, chị C. phải gánh tới 4 tỷ tiền nợ. Với một nhân viên ngân hàng, sống bằng mức lương cơ bản, bài toán trả nợ không hề đơn giản. Nhưng số nợ không làm chị cảm thấy áp lực, lo lắng. "Nợ thì đằng nào cũng phải trả. Nên tôi cứ vui vẻ lạc quan chăm con, làm việc" – chị C. chia sẻ.
Để có tiền trả nợ, ngoài công việc là nhân viên ngân hàng, chị C. còn bán hàng online, làm việc liên tục từ 4 giờ sáng tới 12h giờ đêm trong khoảng thời gian dài.
Năm 2020, tuyến đường Trần Hữu Dực mở rộng, đi qua căn liền kề chị C. đã mua, đẩy mức giá lên tới hơn 10 tỷ đồng. Chị C. hiện cho thuê lại căn nhà với mức giá 7 triệu đồng/tháng.
Chị cho biết, tổng số nợ của chị giờ còn khoảng 1,5 tỷ đồng sau 3 năm mua nhà. "Tôi mua căn liền kề như một động lực cho chính mình. Tôi dự tính dành căn liền kề này cho 2 đứa con khi những đứa trẻ đủ 18 tuổi, có thể du học hoặc lựa chọn một hướng đi nào đó. Nên nhiều lần chồng tôi muốn bán, tôi đều ngăn cản.
Vì sợ bán mất căn nhà, hết nợ nần, tôi lại không có động lực để kiếm tiền" – chị C. nói thêm: "Tôi ngẫm ra rằng: chỉ có bán đất là lãi nhất. Cũng không bán gì nhanh lãi bằng đất. Thực tế, người ta đổi đời nhờ đất. Tôi cũng mong, mình được đổi đời nhờ đất"