Dành kinh phí lớn nhất từ trước đến nay để phát triển hạ tầng Đồng Bằng Sông Cửa Long

Theo Thủ tướng, nhiệm kỳ này đã huy động cho đầu tư cho giao thông, hạ tầng chiến lược trên cả nước khoảng 470.000 tỷ đồng, và tỉ trọng nguồn vốn dành cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng cao nhất từ trước đến nay.

Sáng 17/11, Báo điện tử Chính Phủ đưa tin trong chương trình công tác tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công dự án Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C).

Việc dự án Đường Vành đai phía tây TP. Cần Thơ được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài rất quan trọng, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1A với hệ thống giao thông đô thị của Thành phố.

Thủ tướng cho biết, chúng ta đang tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nhân lực và hạ tầng). Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững đối với TP. Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo Thủ tướng, nhiệm kỳ này đã huy động cho đầu tư cho giao thông, hạ tầng chiến lược trên cả nước khoảng 470.000 tỷ đồng, và tỉ trọng nguồn vốn dành cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng cao nhất từ trước đến nay.

Nhấn mạnh ý nghĩa của dự án mở ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ, Thủ tướng cho biết, dự án còn có ý nghĩa lớn về sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương (nguồn vốn từ Trung ương là 2.000 tỷ đồng, địa phương là 1.800 tỷ đồng), về sự phân cấp phân quyền (phân cấp cho UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản đầu tư, UBND Thành phố lại phân cho cho Sở Giao thông vận tải quản lý dự án).

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Trong khi trong nhiệm kỳ 2016-2020, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng này chưa đến 33.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả nước. Trong nhiệm kỳ trước đó (2011-2015), kế hoạch vốn trung ương đầu tư hạ tầng giao thông vùng này cũng chỉ hơn 43.500 tỷ đồng, chiếm 17% so với cả nước. Như vậy, giai đoạn 2021-2030 là thời kỳ mà khu vực ĐBSCL được trung ương tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông với nguồn vốn đầu tư tăng cao nhất từ trước đến nay.

Được biết, "điểm nghẽn" lớn nhất của vùng ĐBSCL. Hiện nay vùng này chỉ mới có 90km cao tốc và 30km đang xây dựng. Về đường hàng không: có 4 cảng hàng không nhưng năng lực khai thác còn rất yếu. Luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hiện nay chỉ mới đáp ứng cho tàu 10.000 tấn vơi tải ra vào. Đường thủy nội địa tuy là thế mạnh của vùng nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Do vậy, để tháo "điểm nghẽn" cho vùng này thì nguồn vốn từ ngân sách vẫn chưa đủ mà cần phải huy động thêm nguồn xã hội hóa, vốn viện trợ, vốn vay từ các tổ chức quốc tế.