Ngày 18/8/2023, China Evergrande Group, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc, chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tính tới cuối năm 2022, tổng nợ của Evergrande đã lên tới mức 340 tỉ USD. Liên quan đến sự kiện này, một số ý kiến lo ngại rằng việc một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản với khoản nợ chiếm tới gần 2% GDP của Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ gây ra những tác động tiêu cực của nó tới thị trường tài chính và bất động sản trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình thực tế liệu có thực sự bi quan đến như vậy?
Từ niềm tự hào một thời của Trung Quốc đến vụ phá sản gây rúng động toàn cầu
Evergrande từng là tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ 2 ở Trung Quốc với hàng trăm dự án tại các thành phố trên cả nước. Theo đó, trong vòng 10 năm, tổng tài sản của Evergrande đã tăng hơn 12 lần, từ 179 tỷ NDT vào năm 2011 lên tới 2.301 tỷ NDT vào năm 2020 (Biểu đồ 2). Sau nhiều năm phát triển thần tốc, Evergrande đã mạnh tay vay tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như ô tô điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giải trí, tiêu dùng...
Trong số các lĩnh vực kinh doanh, ngoài lĩnh vực chủ chốt là bất động sản, Evergrande còn tập trung phần lớn nguồn lực cho việc phát triển ngành sản xuất ô tô điện. Năm 2019, Evergrande thành lập công ty con Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd’s (gọi tắt là Evergrande NEV) chuyên sản xuất ô tô điện. Tại thời điểm đó, Evergrande NEV nói riêng và tập đoàn Evergrande nói chung đã trở thành niềm tự hào của Trung Quốc với tham vọng sẽ đưa Evergrande NEV trở thành “Telsla của Trung Quốc”, nhằm đón đầu xu hướng sử dụng các phương tiện đi lại bảo vệ môi trường, được dự báo sẽ bùng nổ ở thị trường 1,5 tỷ dân với tầng lớp trung lưu đang nở rộ. Kỳ vọng tăng trưởng cao khiến cổ phiếu của Evergrande NEV tăng phi mã gấp 10 lần chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021), giúp công ty dễ dàng huy động được một khoản vốn lớn. Đến tháng 4/2021, giá trị vốn hóa của Evergrande NEV đạt tới 87 tỷ USD, cao gấp 4 lần giá trị vốn hóa của công ty mẹ.
Tuy nhiên, những bước đi sai lầm trong chiến lược và sự thua kém về công nghệ so với các đối thủ trong lĩnh vực sản xuất xe điện, Evergrande NEV đã không thể đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng của mình và các nhà đầu tư. Từ chỗ là niềm hy vọng cho tương lai xe điện ở Trung Quốc thì nay Evergrande NEV lại trở thành một nỗi thất vọng lớn khi các sản phẩm xe điện không được chào đón trên thị trường, khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp này sụt giảm mạnh vào nửa cuối năm 2021.
Bên cạnh những khoản thua lỗ trong lĩnh vực xe điện, một nguyên nhân chính khiến Evergrande lâm vào khủng hoảng đó là chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản. Theo đó, trước tình hình giá nhà đất liên tục tăng trong trong thời gian dài, vào tháng 8 năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu siết chặt lĩnh vực bất động sản của quốc gia này này bằng cách đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ" quy định tỷ lệ nợ đối với các nhà phát triển bất động sản với 03 tiêu chí chính: (i) Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%; (ii) Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%; và (iii) Tiền mặt phải lớn hơn hoặc bằng với nợ ngắn hạn. Các tiêu chí này cho thấy Chính phủ Trung Quốc muốn các công ty bất động sản phải giải quyết hàng tồn kho và danh mục phải thu trước khi có thể tiếp cận các khoản vay mới để đầu tư cho các dự án mới.
Với việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính và thiếu sự tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, Evergrande ngay lập tức lâm vào tình trạng khó khăn khi Trung Quốc áp dụng chính sách “ba lằn ranh đỏ”. Theo đó, với khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, Evergrande vi phạm tất cả các tiêu chí lằn ranh đỏ và không được vay nợ mới trong năm tiếp theo. Điều này khiến Evergrande mất khả năng chi trả cho các khoản vay đã đến thời kỳ đáo hạn và trả lãi cho các khoản nợ, đặc biệt là các khoản nợ liên quan đến trái phiếu – thứ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kết hợp với việc hoạt động kinh doanh bất động sản đi xuống trong bối cảnh đại dịch COVID-19, giá nhà tại Trung Quốc giảm liên tiếp trong nhiều tháng, từ đó gia tăng chi phí với các hãng địa ốc khiến tình trạng tài chính yếu kém của Evergrande trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Cuối cùng, ngày 9/12/2021, Evergrande chính thức vỡ nợ sau khi hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings (Hoa Kỳ) hạ xếp hạng của tập đoàn này xuống thành “vỡ nợ giới hạn”. Do đó, việc Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ ngày 18/8/2023 vừa qua là động thái hoàn toàn có thể lường trước được trong bối cảnh tập đoàn này đã nỗ lực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nợ ở nước ngoài trong suốt thời gian qua.
Những tác động của sự kiện Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Với vị thế là tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ 2 ở Trung Quốc, mọi động thái liên quan đến tình hình hoạt động của Evergrande đều có thể tác động mạnh mẽ tới nhiều chủ thể khác nhau trên thị trường.
Đối với nền kinh tế toàn cầu:
Với khoản nợ lên đến hơn 300 tỷ USD, việc Evergrande phá sản có thể khiến nhiều chủ nợ mất hoàn toàn số tiền cho vay hoặc đầu tư vào tập đoàn này, từ đó có thể kích hoạt hiệu ứng domino và làm nhiều doanh nghiệp, hay thậm chí là các ngân hàng lớn lâm vào tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản vốn chiếm tới 25-30% GDP của Trung Quốc, dẫn đến việc nếu Evergrande phá sản sẽ kích hoạt hiệu ứng domino trong toàn ngành bất động sản tại quốc gia này và rất có thể sẽ khiến nền kinh tế số 2 thế giới rơi vào suy thoái, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản (bankruptcy protection) cho phép Evergrande trì hoãn việc trả nợ trong quá trình lên kế hoạch và thực hiện tái cơ cấu, phục hồi hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, thông tin Evergrande xin bảo hộ phá sản là một phần của quá trình tái cơ cấu theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế và hoàn toàn có thể được nhìn nhận như một tín hiệu lạc quan khi tạo ra niềm tin lớn hơn cho các chủ nợ quốc tế, vốn được cho là đã hoàn toàn không được cung cấp thông tin gì về kế hoạch của tập đoàn này trong một thời gian dài.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc:
Mặc dù có thể xem việc Evergrande xin bảo hộ phá sản là một tín hiệu lạc quan, tuy nhiên, vấn đề nội tại yếu của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn đang trong trạng thái đáng báo động. Cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 2 năm qua của Evergrande đã tác động dây chuyền đến toàn bộ thị trường nhà đất Trung Quốc. Sau Evergrande, một loạt các nhà phát triển bất động sản lớn như Kasia, Fantasia và Shimao cũng đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trái phiếu.
Thị trường nhà ở Trung Quốc bắt đầu suy giảm nghiêm trọng vào năm 2019 và đến tháng 7/2021, mức tăng giá nhà hàng năm tại 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc chỉ đạt mức 4,6%. Thậm chí, giá nhà tại nước này còn giảm mạnh xuyên suốt năm 2022 và 2023, mặc dù đã có sự phục hồi trong vài tháng gần đây (Biểu đồ 4). Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc lâm vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng. Mới đây nhất, Country Garden – hãng bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc hiện nay, vừa đưa ra cảnh báo công ty đang "đưa ra nhiều biện pháp quản lý nợ", dấy lên những lo ngại rằng doanh nghiệp này cũng đã rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản và có thể cũng sẽ tái cấu trúc nợ trong thời gian tới. Country Garden cũng đã thông báo tạm dừng giao dịch với 10 trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ trên thị trường trong nước. Bên cạnh đó, Zhongzhi Enterprise Group, một đơn vị quản lý đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản đã phải tái cơ cấu nợ và tạm dừng thanh toán lợi tức cho các nhà đầu tư.
Đối với chính sách “ba lằn ranh đỏ”, một nghiên cứu thống kê của T. Rowe Price (2022) từ 65 doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối năm 2020, có 42/65 doanh nghiệp vi phạm 01 tiêu chí, đặc biệt có 08 doanh nghiệp vi phạm cả 03 tiêu chí của chính sách này (Biểu đồ 5). Điều này cho thấy Evergrande không phải trường hợp duy nhất vi phạm lằn ranh đỏ cũng như phản ánh thị trường bất động sản Trung Quốc đang phát những tín hiệu rủi ro đáng kể, không loại trừ khả năng tiềm ẩn một hiệu ứng phá sản domino hàng loạt.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian gần đây. Theo đó, ngày 15/8/2023, PBOC bất ngờ hạ đồng loạt các lãi suất chủ chốt để vực dậy nền kinh tế đang bị rủi ro bủa vây tứ phía, từ thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng cho tới tiêu dùng suy yếu. Theo đó, ngoại trừ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm giữ nguyên ở mức 4.5%, các lãi suất quan trọng như lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm (LPR), lãi suất cho vay trung hạn 1 năm và lãi suất Repo kỳ hạn 7 ngày đã được điều chỉnh giảm từ 10-15 điểm cơ bản (Biểu đố 1). Đây là lần thứ hai PBOC hạ lãi suất kể từ tháng 6/2023, qua đó kéo dài quá trình cắt giảm lãi suất tại Trung Quốc từ năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó, PBOC đã tái khẳng định cơ quan này sẽ điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách tín dụng cho ngành bất động sản. Một thông cáo chung khác giữa PBOC và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NAFR) cho biết sẽ khuyến khích gia hạn các khoản vay bất động sản, nhằm thúc đẩy việc bàn giao nhà ở đang xây dựng, và một số khoản nợ chưa thanh toán có thể được gia hạn trả nợ lên đến 1 năm. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vẫn đang nằm trong trạng thái báo động trong bối cảnh thị trường ảm đạm và nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc đang ngày càng suy giảm.
Đối với nền kinh tế Việt Nam
Sáng ngày 18/8, thông tin về vụ việc Evergrande xin bảo hộ phá sản xuất hiện tràn ngập trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng đã kích hoạt tâm lý sợ hãi và bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết phiên ngày 18/8, chỉ số VN-Index ghi nhận mức sụt giảm 55.49 điểm, từ 1233.48 xuống còn 1177.99 điểm, tương ứng với mức giảm 4.5%, mức cao nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây với thanh khoản kỷ lục đạt gần 1.6 tỷ USD. Phiên giảm này đã xóa tan mọi nỗ lực tăng điểm của thị trường từ giữa tháng 7/2023, trong đó nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm ngành bất động sản khi hầu hết các mã cổ phiếu của nhóm ngành này đều giảm sàn với lượng dư bán lớn. Không chỉ thị trường chứng khoán, thông tin Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản còn làm tăng thêm mối lo ngại về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và các điều kiện ngày càng tồi tệ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc các nhà đầu tư tài chính toàn cầu phải tái cơ cấu danh mục sang các loại tài sản có tính trú ẩn cao như đồng USD, khiến giá trị của đồng bạc xanh tiếp tục duy trì tốt đà tăng tuần thứ năm liên tiếp trong chuỗi tăng dài nhất trong vòng 15 tháng qua (Biểu đồ 6). Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED) gần nhất đã ủng hộ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, giữ nguyên khả năng tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào cuối năm 2023. Đồng thời, dữ liệu vĩ mô tiếp tục chỉ ra kinh tế Mỹ không sụt giảm. Điều này sẽ cho phép FED giữ vững lập trường tăng lãi suất và giá trị của đồng USD dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Việc đồng USD liên tục tăng giá trong khoảng thời gian gần đây gây áp lực không nhỏ đối với tỷ giá trong nước. Cụ thể, trong tuần từ 14-18/8/2023, tỷ giá trong nước ghi nhận những phiên tăng mạnh bất thường kể từ đầu năm đến nay. Tỷ giá trung tâm đã tăng tới 114 đồng, đồng thời giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN cũng đã tăng mạnh lên 23.098 đồng/USD, cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên giá bán USD can thiệp của NHNN vượt 25.000 đồng. Giá bán USD tại một số ngân hàng thương mại đã có lúc chạm ngưỡng 24.200 đồng vào sáng 16/8 trước khi quay đầu hạ nhiệt về cuối tuần. Mặc dù vậy, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát do cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai hiện tại của Việt Nam vẫn duy trì thặng dư. Bên cạnh đó, dòng kiều hối cuối năm và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ cho Việt Nam.
Do đó, chúng tôi đánh giá tác động của sự kiện Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tới nền kinh tế Việt Nam chỉ mang tính chất ngắn hạn. Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, sự kiện này khó có thể gây tác động mạnh tới thị trường và nền kinh tế Việt Nam khi đây không phải là vấn đề mới. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản Việt Nam đa phần cũng là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, hệ số nợ trong tầm kiểm soát, đảm bảo một hệ số an toàn nhất định. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua cũng liên tục chỉ đạo, đôn đốc và yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý và các giải pháp thúc đẩy thị trường vừa qua đã có hiệu quả nhất định, giúp cho tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; giúp cho tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ được sự ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát,… nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Evergrande là bài học có giá trị lớn cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư trên thị trường bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư....cũng cần theo dõi sát sao, có phân tích, dự báo để có giải pháp ứng phó phù hợp.
(*) Nguyễn Nhật Minh, Trần Việt Dũng - Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.