Dành cả thanh xuân để trả nợ ngân hàng, đôi vợ chồng trẻ “dư” được miếng đất, nên hay không?

Vợ chồng chị Minh (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) gần 6 năm trả khoản nợ vay ngân hàng cho mảnh đất thổ cư 60m2. Theo cách chị chia sẻ, ngần đó thời gian gia đình chị phải “bóp mồm bóp miệng” để có khoản dư trả lãi và mới đây là trả hết cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.

Mua mảnh đất tại Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức) với giá 1.1 tỉ đồng, chị Minh vay ngân hàng 700 triệu đồng. Chị làm văn phòng, còn chồng làm công việc tự do. Tổng mức thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng rơi vào khoảng hơn 20 triệu đồng. Đây là mức thu nhập hiện tại. 6 năm về trước, thời điểm chị mua đất thu nhập của hai vợ chồng là 14 triệu đồng. Trong đó, khoản lãi và gốc hàng tháng chị phải chi vào khoảng 6 -7 triệu đồng/tháng. Dù hiện tại thu nhập tăng nhưng mức chi tiêu sinh hoạt cũng tăng theo. Vì thế, theo chị Minh suốt thời gian qua, gia đình chị phải “chắt chiu” trong việc chi tiêu để dành khoản trả lãi gốc ngân hàng hàng tháng.

“6 năm trôi qua cũng là ngần ấy thời gian gia đình nhịn ăn nhịn mặc để trả nợ cho mảnh đất. Riêng tiền tích cop được từ công việc làm thêm, làm tự do của vợ chồng thì dồn lại và mới đây trả hết được khoản vay. Hiện tại gia đình vẫn ở trọ (phòng trọ 2 triệu/tháng) nhưng dư được mảnh đất thổ cư, coi như cũng là của để dành. Còn việc xây nhà ở thì chưa dám tính tới”, chị Minh cho hay.

Trường hợp như gia đình chị Minh không hiếm. Nhiều người trẻ độ tuổi trên dưới 30 vẫn đang gồng gánh khoản nợ ngân hàng vì tìm kiếm chốn an cư tại các đô thị. Có người vay mua đất làm của để dành, người mua căn hộ để ở thực, người thì đầu tư tích sản…trong số đó, không ít trường hợp “dành cả tuổi thanh xuân” để trả nợ cho khoản vay ngân hàng. Họ không dám ăn, không dám mặc, không đi du lịch chỉ để có khoản dư trả nợ cho bất động sản sở hữu.

Có những cặp vợ chồng phải trả gốc – lãi lên đến 20-30 triệu đồng mỗi tháng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm như hiện nay đây là áp lực không hề nhỏ với người trẻ vay ngân hàng mua nhà.

Dành cả thanh xuân để trả nợ ngân hàng, đôi vợ chồng trẻ “dư” được miếng đất, nên hay không? - Ảnh 1.

Đã có khá nhiều quan điểm về vấn đề này. Ở nhà thuê hay cố vay ngân hàng để mua nhà? mua nhà khi tài chính chưa đủ? có nên liều mua nhà?

Theo ông Lê Quốc Kiên, nhà đầu tư kì cựu tại Tp.HCM, thay vì chờ đủ tiền mới mua nhà, thì hãy "chốt giá hiện tại, trả góp tương lai".

Theo ông Kiên, sở hữu nơi an cư lâu dài luôn là nhu cầu, là ước muốn của đa số mọi người.

Hiện nay, không phải đa số mọi người chọn thuê nhà để an cư, mà do khả năng tài chính chưa đủ, hoặc chưa tính được kế hoạch tài chính đủ bài bản rõ ràng để tự tin thực hiện. Hoặc cũng có thể họ đã sở hữu nhà, nhưng tài chính chưa đủ mua ở nơi đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, nên cho thuê nhà của mình rồi bản thân đi thuê lại nhà ở nơi đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Cũng có thể họ đã thực hiện kế hoạch mua nhà và đang chờ chủ đầu tư xây dựng bàn giao.

Vị này chỉ ra, 5 năm qua, giá nhà ở tăng trung bình 100% - 150%. Trong khi đó, thu nhập của đại đa số người dân là từ lương, nếu không có thăng tiến lên chức hay thay đổi công việc, chỉ tăng 3%-5%/năm, 15% - 25% sau 5 năm. Định lượng nhanh thì rõ ràng trong 5 năm qua, giá nhà ở tăng nhanh gấp 5-6 lần mức tăng lương. Do đó, việc sở hữu nhà ngày càng rời xa tầm tay người có nhu cầu an cư, làm tăng lượng người thuê nhà.

Thu nhập sẽ quyết định việc chọn nơi ở, thường họ sẽ chi 15% - 20% thu nhập cho chỗ ở của mình. Cặp vợ chồng trẻ U30 nếu làm công nhân hoặc lao động phổ thông có tổng thu nhập khoảng 14 – 20 triệu/tháng (7 – 10 triệu/người), chi cho việc thuê trọ 2 – 3 triệu (đã bao gồm chi phí điện nước). Cũng U30 đó nếu làm nhân viên văn phòng thì tổng thu nhập 2 vợ chồng phổ biến khoảng 20 – 30 triệu/tháng, chi cho chỗ ở 3,5 - 6 triệu bao gồm điện nước.

Khi đặt câu hỏi, nếu chỉ tích lũy có 30-50% giá trị nhà thì nên mua nhà trả góp không? Theo ông Kiên, điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố : Thu nhập đều hàng tháng - khoản thu nhập ít bị thay đổi biến động, và "tiền bỏ heo" hàng tháng - số tiền còn lại sau khi trừ chi phí sinh hoạt.

Mọi người thường chỉ lấy thu nhập một người để tính bài toán tài chính khi mua nhà, mà quên mất thực tế phải dùng tổng thu nhập và tiền tích lũy của cả 2 vợ chồng. Vì căn nhà thường là tổ ấm của một gia đình, chứ ít khi dành riêng để một người ở một mình suốt đời.

Ví dụ 2 vợ chồng có tổng thu nhập 35 triệu đồng từ lương cố định, thêm 10 triệu từ thưởng hay làm thêm, hoặc cuối năm người được thưởng thêm 30 triệu tháng 13, thì thu nhập đều chỉ là 35 triệu/tháng, khoản 10 triệu làm thêm hay tiền thưởng cuối năm kia xem như tiền để dành, xài Tết hay dự phòng các chi phí phát sinh khác.

Với 2 vợ chồng chưa có con thì chi phí sinh hoạt nếu tiết kiệm khoảng 15 triệu/tháng. Trích quỹ dự phòng 3 triệu thì mỗi tháng "tiền bỏ heo" là 17 triệu. Nếu mua nhà có thể ở ngay thì "tiền bỏ heo" thêm được 3 triệu từ tiền thuê trọ, thành 20 triệu /tháng. Số tiền 20 triệu này sẽ đảm bảo được cho khoản vay khoảng 1,4 tỷ với kì hạn 20-25 năm. Vậy nếu xác định mua nhà, với căn nhà 2 tỷ thì khoản vay 1,4 tỷ chiếm 70%, với căn nhà 2,8 tỷ thì khoản vay này chiếm 50%.

Trường hợp gia đình có thêm em bé, thì chi phí cho con khoảng 5 triệu/cháu phù hợp với vợ chồng thu nhập 35 triệu/tháng. Khi đó, "tiền bỏ heo" bị giảm xuống, bài toán mua nhà sẽ khó hơn.

“Dù là mua nhà hay mua bất cứ gì, cũng cần phải cân đối giá trị phù hợp với thu nhập của mình. Đừng đòi hỏi những căn nhà ở vị trí gần trung tâm, gần chỗ làm chỗ học, diện tích phải rộng trong khi thu nhập không đủ đáp ứng. Ví dụ, có thu nhập 65 triệu thì mua nhà 3,5 tỷ; nếu thu nhập 45 triệu thì mua nhà 2 tỷ (chung cư cũ, hay nhà nhỏ 20m2-30m2 ở quận xa); nếu thu nhập chỉ 35 triệu thì mua chung cư cũ ở quận ven 1,4 tỷ. Trường hợp thu nhập dưới nữa thì gần như khó có khả năng mua nhà, hoặc phải đánh đổi sống tiết kiệm hi sinh nhiều thú vui khác trong vài năm đến khi có thu nhập tốt hơn”, ông Kiên chia sẻ.