Vài năm trở lại đây, thay vì các chủ đầu tư phía Bắc đầu tư bất động sản ở các tỉnh phía nam thì nay các ông lớn trên thị trường BĐS TP HCM đang cùng nhau "Bắc tiến", liên tiếp công bố những dự án lớn.
Xu hướng "Bắc tiến"
Trong số đó có thể kể đến như Masterise Group với 6 tòa căn hộ Masteri Waterfront tại KĐT Vinhomes Ocean Park đánh dấu sự trở lại thị trường Hà Nội sau 8 năm. Được biết, Masterise Group (trước đây là Thảo Điền Investment) là một trong những tập đoàn bất động sản lớn tại miền Nam, nổi tiếng với các dự án Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú; M-One Nam Sài Gòn, M-One Gia Định, Millennium… Tại Hà Nội, Masterise Group có dự án Premier Berriver Long Biên.
Tập đoàn Phú Long với cuộc thâu tóm toàn bộ dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2, Tập đoàn Hưng Thịnh đang trong giai đoạn chuẩn bị cho dự án chung cư Lakeside Hưng Thịnh tại Linh Đàm, Hoàng Mai; Him Lam Land với dự án khu đô thị Him Lam Green Park 26,8 ha tại Bắc Ninh...
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, đây là một xu thế tất yếu bởi thị trường TP.HCM đang bị đẩy lên một mức giá "đỉnh", các dự án được cấp phép mới cũng khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thị trường Hà Nội được khách hàng, nhà đầu tư đánh giá là có pháp lý "sạch" hơn các dự án ở TP.HCM và được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá.
Masteri Waterfront nằm ở trung tâm khu đô thị Vinhomes Ocean Park do Masterse Homes phát triển
Bà Hằng cũng cho biết, ưu thế của các chủ đầu tư này là họ đã có kinh nghiệm phát triển dự án, với sự sôi động và có phần "trải nghiệm" nhiều hơn so với các chủ đầu tư đến từ Hà Nội. Họ kỳ vọng mang được triết lý kinh doanh, cạnh tranh với các chủ đầu tư Hà Nội. Những doanh nghiệp này cũng có kinh nghiệm bắt tay cùng các nhà đầu tư ở nước ngoài để mang đến những sản phẩm với giá tiền phù hợp hơn.
Miếng bánh "khó nhằn"
Trên thực tế, dù chưa tạo thành một làn sóng nhưng các chủ đầu tư miền Nam đã ôm tham vọng "Bắc tiến" từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, các đại gia này chưa ghi được nhiều dấu ấn trên thị trường, nhiều chủ đầu tư cũng đã từng phải đắp chiếu dự án nhiều năm mới có thể triển khai, thậm chí tháo chạy khỏi thị trường.
Đơn cử như trường hợp của đại dự án Mỹ Đình Pearl của Tập đoàn SSG. Mặc dù đã "tính nước" thành lập liên doanh để thực hiện dự án khách sạn, văn phòng và căn hộ tại khu đất rộng 3,8ha tại ô đất X3 thuộc xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm từ năm 2010, tuy nhiên, mãi đến năm 2016, SSG mới có thể triển khai dự án.
Trường hợp của Landmark Holding thì có phần "thảm" hơn khi trở thành đơn vị phát triển dự án Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) hồi năm 2018. Tuy nhiên chỉ hơn một năm chóng vánh, doanh nghiệp này đã phải đơn phương rút khỏi dự án.
Theo chuyên gia Savills Hà Nội, "cuộc đại di cư" của các ông lớn Sài Thành gặp phải nhiều thách thức bởi thị trường BĐS Hà Nội khác hoàn toàn với thị trường phía Nam. Trong đó, thách thức lớn nhất của các nhà đầu tư này là hiểu được tâm lý khách hàng.
Bà Hằng cho biết, BĐS phía Bắc là một thị trường rất nhạy cảm về giá. Các dự án có giá trên 5.000 USD/m2 ở TP HCM có thể bán được nhưng ở Hà Nội là rất khó. Các chủ đầu tư phía Nam sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng và phân bổ nhân sự phát triển dự án tại phía Bắc.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, thói quen mua nhà của người miền Bắc cũng là nguyên nhân gây khó cho các doanh nghiệp miền Nam. Người miền Bắc thường rất kỹ tính trong việc lựa chọn các sản phẩm nhà ở. Đây chính là sự khác biệt trong việc tiếp cận khách hàng mà không phải doanh nghiệp miền Nam nào cũng hiểu.
Đánh giá về tiềm năng tăng giá của thị trường, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), chung cư tại Hà Nội chỉ tăng 0,4-0,5%, nhưng tại TPHCM giá tăng đến 5-7% thậm chí có những khu vực tăng 10%. Giá chung cư hiện nay đã ở mức trần. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư bỏ thị trường Hà Nội để tìm những "vùng đất mới".