Biểu tượng của Hà Nội "mở"
Đầu tháng 6/2020, phương án kiến trúc cầu Tứ Liên đã được thành phố Hà Nội chính thức phê duyệt và thông qua. Theo đó, cầu Tứ Liên nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên; nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; trực tiếp kết nối trục chính các đô thị được quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài.
Ông Patrick Phong - đại diện đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty TNHH Quốc tế T.Y.Lin, Mỹ) cho biết: Cầu Tứ Liên được xây dựng trên cơ sở cách điệu hình tượng rồng thiêng bay lên trời.
"Trong số rất nhiều phác thảo được đề xuất, chúng tôi đã thống nhất chọn phương án này để ghi nhớ lịch sử hào hùng của mảnh đất Thăng Long. Cụ thể, điểm nhấn về mặt kiến trúc là 2 hệ cột trụ được tạo dựng như hình ảnh của 4 con rồng đang từ mặt nước bay vút lên trời cao. Trên mặt đứng, hai cặp rồng giao nhau, uốn lượn, kết hợp với hệ thống dây văng như những tia nước bám trên thân giống thần thú đang bắn tung ra", đại diện đơn vị tư vấn thiết kế nhấn mạnh.
Dự kiến, khi được đưa vào vận hành, cầu Tứ Liên sẽ trở thành cây cầu dài bậc nhất bắc qua sông Hồng với tổng chiều dài toàn bộ tuyến kết nối lên tới khoảng 4,84km. Công nghệ văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ cũng biến Tứ Liên thành cây cầu mang công nghệ tiên tiến bậc nhất Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Cầu Tứ Liên lại được kỳ vọng sẽ kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay và các tỉnh phía Bắc sẽ là "át chủ bài" giúp Thủ đô vươn lên phát triển.
Cầu Tứ Liên sẽ góp phần giảm lưu lượng giao thông tại các cây cầu hiện hữu, mở ra khu vực phát triển mới cho Thủ đô.
Động lực từ những cây cầu
Trên thực tế, tại tất cả mọi quốc gia, đặc biệt ở các thành phố lớn, những cây cầu luôn đóng vai trò là động lực phát triển cho cả nền kinh tế.
Tại Nhật Bản, cầu Akashi - Kaikyo bắc qua vịnh Akashi nối đảo Awaji với Kobe từ khi ra đời vào năm 1998 đã xóa bỏ hoàn toàn thế biệt lập của vùng đất Iwaya. Từ thế bị biển bao vây tứ bề, cư dân trên hòn đảo nhỏ này đã có thể dễ dàng tiếp cận với đất liền. Đáng chú ý, cây cầu này còn trực tiếp cấu thành tuyến đường cao tốc Honshu - Shikoku – một trong những huyết mạch giao thông và phát triển kinh tế trọng điểm của đất nước Mặt trời mọc.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc với cầu Grand Olympic bắc qua sông Hàn nối hai quận Gwangjin và Songpa.
Một ví dụ khác cho thấy vai trò "khai mở kinh tế" phải kể đến là cầu Kerch – cây cầu dài nhất Châu Âu. Được khánh thành vào 5/2018, cây cầu nối bán đảo Crimea và lục địa Nga, chỉ một thời gian ngắn sau, tác động của "cánh cửa" mang tên Kerch đã hiện rõ. Theo số liệu được công bố trên tờ EurasiaNet, giá nhà cho thuê tại Crimea vào tháng 6/2018 đã tăng trung bình 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, bộ mặt nền kinh tế của bán đảo này cũng dần thay đổi mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, các khu vực tăng trưởng năng động tại những thành phố lớn đều gắn với số phận những cây cầu. Ví như ở Đà Nẵng, cầu sông Hàn đã giúp thành phố này khai phá thêm những vùng đất mới, giúp thành phố… bớt "nghiêng" ở hướng Tây. Cũng chính từ đây, bờ Đông Đà Nẵng gồm các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vốn từ vùng đất nghèo nàn, lúp xúp đã vươn mình lên thành những dải đô thị bề thế, hiện đại như ngày nay.
Đây sẽ là cửa ngõ thứ 3 từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm Thành phố.
Quay trở lại câu chuyện của Hà Nội, các chuyên gia về quy hoạch đô thị và giao thông – hạ tầng đều rất kỳ vọng vào vai trò "át chủ bài" của cầu Tứ Liên trong tương lai gần.
Việc hình thành cây cầu thứ 7 trong nội đô bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc; hình thành cửa ngõ thứ 3 (ngoài cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân) từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm Thành phố.
Cầu Tứ Liên cũng sẽ phục vụ trực tiếp cho việc phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong khu vực trung tâm thành phố, góp phần vào sự phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, sự ra đời của cây cầu dài nhất qua sông Hồng sẽ góp phần đảm bảo các yêu cầu về giao thông vận tải phục vụ cho công tác xây dựng và phát triển chuỗi các khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Vân Trì, Đông Anh – Cổ Loa, Gia Lâm – Sài Đồng…, tạo điều kiện phát triển văn hóa và du lịch, kết nối trung tâm Hà Nội với các khu du lịch phía Bắc như Cổ Loa, Tam Đảo, Ba Bể…