Thông tin về vấn đề trên ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thông tin cầu Trần Hưng Đạo khởi công vào cuối năm 2024 là thông tin không chính xác.
Theo ông Thành, hiện cầu Trần Hưng Đạo về thứ tự đầu tư còn xếp sau một loạt các dự án cầu. Trong đó, cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà trên Vành đai 4, cầu Vân Phúc, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát… Trong đó, cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc đã và đang hoàn thiện chủ trương đầu tư. Còn cầu Trần Hưng Đạo hiện TP Hà Nội đang giao cho Sở GTVT đổi chủ trương đầu tư, từ đầu tư PPP sang đầu tư công, và như vậy phải cân đối nguồn vốn.
"Thành phố xác định phải sắp xếp thứ tự đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư, không được phép đầu tư dàn trải mà phải đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đầu tư dứt điểm dự án. Thủ tục đầu tư dự án nào hoàn thành trước sẽ được ưu tiên triển khai đầu tư trước", ông Thành chia sẻ.
Trước đó, Công ty CP Him Lam đã có công văn số: 153/2024/CV-HL gửi UBND TP Hà Nội do ông Dương Công Hùng, Tổng Giám đốc ký xin dừng công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, trong công văn gửi UBND TP Hà Nội, ông Dương Công Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Him Lam cho biết, đối với 2 phương án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo: phương án 1 nếu đầu tư theo BOT theo đúng quy định, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư 50% thì không có thời hạn hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Phương án thứ 2: nếu thời hạn hoàn vốn 26 năm thì tỷ lệ nguồn vốn sẽ là 70,4% ngân sách và 29,6% nhà đầu tư lại trái với quy định của Luật hiện hành.
Do vậy, Công ty CP Him Lam nhận thấy việc đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT không đúng với Luật PPP.
Do đó, Công ty CP Him Lam đề nghị TP Hà Nội cho phép Him Lam dừng việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và bàn giao lại cho TP Hà Nội toàn bộ hồ sơ đã nghiên cứu về dự án cầu Trần Hưng Đạo để TP tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo hình thức khác khả thi hơn.