Ba tháng đầu năm 2025, thị trường bất động sản ghi nhận sự nhộn nhịp ở hầu hết các khu vực. Ngoài thị trường miền Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên... thì bất động sản miền Nam, miền Trung cũng liên tục đón tín hiệu mới.
Đáng nói, khu vực miền Trung vốn im ắng nhiều năm, thì gần đây thông tin sáp nhập tỉnh thành đã khiến tâm lý nhà đầu tư rộn ràng. Thời gian qua, bất động sản Quảng Nam, Đà Nẵng có dấu hiệu lên cơn sốt trở lại.
Theo dữ liệu quý 1/2025 của Batdongsan.com.vn, trong tháng 3/2025, giá rao bán đất nền quận Cẩm Lệ đã tăng 80%, quận Liên Chiểu tăng 75% và huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) tăng 50% so với tháng 1/2023. Ghi nhận nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu thoát được hàng tại Đà Nẵng sau nhiều năm bất động. Giá ghi nhận tăng từ 30-50% so với thời điểm "đáy".
Cùng với đó, tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (vùng giáp ranh TP Đà Nẵng), giá đất nền cũng có dấu hiệu ấm lên so với thời điểm trước đây. Theo môi giới, mặc dù không có những cơn sốt lớn, nhưng đất nền Đà Nẵng đang tăng nhiệt. Lượt khách đi xem đất tăng rõ nét từ tháng 2/2025 đến nay. Môi giới bắt đầu chốt thành công nhiều lô đất.
Trong đó, phân khúc đất nền giá từ 2-4 tỉ đồng/nền được quan tâm nhiều nhất, nằm tại các khu vực như khu đô thị Hòa Xuân, Nam Hòa Xuân, Nam Việt Á, FPT… hay một số khu dân cư như Bàu Tràm Lakeside, Eco Charm ở phía Liên Chiểu. Ngoài ra, đất nền ven biển khu vực Sơn Trà, các khu du lịch An Thượng hay Phạm Văn Đồng…cũng tăng nhiệt trở lại.

BĐS Đà Nẵng tăng giá mạnh. Nguồn: Batdongsan.com.vn
Theo ghi nhận, thông tin sáp nhập chưa rõ ràng đã làm xáo trộn thị trường đất nền Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhiều người nhân cơ hội này đã đẩy giá, tạo sốt đất ảo. Các lô đất tại xã Điện Bàn giá ghi nhận tăng 10-25% (tuỳ lô) so với thời điểm cuối năm 2024.
Ngoài thông tin sáp nhập thì thì nguyên nhân khiến đất nền Đà Nẵng nóng sốt là do thành phố có nhiều dự án lớn, chuẩn bị triển khai trung tâm tài chính, khu thương mại tự do. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng hiện đang ổn định nên dòng tiền có dấu hiệu đổ về bất động sản. Ngoài ra, gần đây, Đà Nẵng không mở thêm dự án bất động sản mới mà chủ yếu dựa trên các dự án cũ nên giá đất nền tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tượng sốt đất không mới và từng xảy ra ở nhiều địa phương. Một nhóm đầu cơ có thể đã gom đất từ trước, sau đó tung tin để tạo hiệu ứng đám đông, đẩy giá lên cao rồi bán ra, thu lợi nhuận khổng lồ. Tâm lý đầu tư theo tin đồn mà không kiểm chứng thông tin có thể khiến nhà đầu tư rơi vào "bẫy sốt ảo", giá đất bị đẩy lên nhưng không có thanh khoản thực sự.
Một số chuyên gia nhận định, cơn sốt đất giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam có thể chỉ là hiệu ứng nhất thời từ tin đồn sáp nhập. Người mua cần hết sức thận trọng, không nên mua đất theo tâm lý đám đông mà cần cân nhắc kỹ về pháp lý, tiềm năng thực sự và khả năng tài chính. Đối với các khu vực ven Đà Nẵng hoặc giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, nếu chưa có pháp lý rõ ràng thì không nên đầu tư.
Nếu miền Trung ăn theo thông tin quy hoạch sáp nhập thì tại khu vực miền Nam, huyện Cần Giờ (Tp.HCM) lên cơn sốt theo đại dự án đang triển khai. Trong đó, có một số mảnh đất giá trị đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, được mua bán nhanh.
Gần đây, Cần Giờ chứng kiến hoạt động đầu tư mua bán nhộn nhịp. Nhà đầu tư khắp nơi đổ về. Môi giới liên tục có giao dịch. Giá bắt đầu tăng mạnh ở các lô đất thổ cư.
Theo các môi giới, giá đất thổ cư tại trung tâm thị trấn Cần Thạnh hiện đã lên tới 100 triệu đồng/m2, mức cao nhất từ trước đến nay. So với một năm trước, khi giá chỉ dao động 60-70 triệu đồng/m2, mức tăng này là rất đáng kể.
So với trước tết âm lịch, giá đất ở tại Cần Giờ hiện tăng khoảng 20-40% (tuỳ khu vực). Nếu như trước đây, giá khoảng 30 triệu đồng/m2 thì nay khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2. Nơi sốt đất nhất là tuyến đường Thạnh Thới, chạy thẳng vào cổng chính của dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Vào dịp trước tết, giá đất nền nơi đây khoảng 50 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 80 triệu đồng/m2.
Những ngày qua, các khu vực được nhiều người quan tâm như thị trấn Cần Thạnh, xã Lý Nhơn... Trong khi các xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông chưa ghi nhận giao dịch đáng kể.

Nhà đầu tư thoát hàng lúc thị trường có "sóng". Ảnh: Minh hoạ
Có thể thấy, Cần Giờ thu hút nhà đầu tư chủ yếu nhờ các dự án lớn từ Vingroup. Khu đô thị lấn biển Cần Giờ của Vingroup sẽ khởi công vào ngày 19/4 tới, cùng với đó, thủ tục triển khai tuyến metro dài 48,5 km nối trung tâm Tp.HCM với Cần Giờ đang được đẩy nhanh tiến độ; hay cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè - Cần Giờ sẽ được xây dựng... là các thông tin khiến giao dịch đất đai ở huyện đảo này trở nên rộn ràng.
Ngoài ra, theo định hướng đến năm 2030, Cần Giờ sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao. Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với vốn đầu tư dự kiến 4,8 tỉ USD, sẽ biến nơi đây thành trung tâm logistics tầm khu vực nếu triển khai thành công. Các thông tin này đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư bất động sản. Nhiều người ôm đất Cần Giờ từ thời điểm trước tranh thủ giai đoạn này để "thoát hàng". Số khác thì tận dụng thông tin tốt để mua vào chờ cơ hội về giá khi các đại dự án đi vào giai đoạn hoàn thành.
Dẫu vậy, nhà đầu tư cần kỹ càng tránh chạy theo thông tin dễ rủi ro dòng tiền. Quỹ đất ở tại Cần Giờ vốn rất ít, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản. Khu vực thị trấn Cần Thạnh là nơi hiếm hoi có thể phát triển đất ở, còn các nơi khác đa phần là đất quy hoạch hỗn hợp. Đặc biệt, khi Vingroup triển khai dự án lấn biển, khu dự trữ sinh quyển vẫn phải được bảo vệ nên đất ở bị hạn chế nghiêm ngặt. Vì thế, nếu không nắm rõ pháp lý nhà đầu tư rất dễ bị lừa mua phải đất quy hoạch.