Còn nhiều băn khoăn về giá đề xuất cho thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội

UBND TP. Hà Nội mới đây đề xuất khung giá thuê nhà ở xã hội đối với từng loại chiều cao công trình, trong đó, mức giá thuê cao nhất là 198.000 đồng/m2/tháng khiến nhiều ý kiến còn băn khoăn.
Còn nhiều băn khoăn về giá đề xuất cho thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội

Ảnh minh họa, nguồn: Int

Cụ thể, hiện UBND TP. Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo Quyết định ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, được đầu tư xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, khung giá thuê nhà ở xã hội được đề xuất đối với tòa nhà ở xã hội có chiều cao từ 10 tầng trở xuống, giá thuê từ 48.000 - 96.000 đồng/m2/tháng; tòa nhà ở xã hội có chiều cao từ 10 - 20 tầng, có giá thuê từ 49.000 - 98.000 đồng/m2/tháng; tòa nhà ở xã hội cao từ 20 - 30 tầng, có giá mức thuê từ 73.000 - 146.000 đồng/m2/tháng; tòa nhà ở xã hội có chiều cao trên 30 tầng trở lên, có mức giá thuê từ 99.000 - 198.000 đồng/m2/tháng.

Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; chi phí bảo trì công trình; giá dịch vụ quản lý vận hành; chi phí mua sắm trang thiết bị nội thất, đồ dùng sinh hoạt trong nhà ở xã hội cho thuê; kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc, thù lao cho Ban quản trị nhà ở xã hội và chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở xã hội.

Được biết, hiện nay việc xác định giá thuê loại hình này tại Hà Nội được thực hiện theo Quyết định số 25/2019-QĐ/UBND ngày 5/11/2019 của UBND TP Hà Nội.

Theo đó, đối với dự án nhà ở xã hội không do nhà nước thực hiện (do doanh nghiệp bỏ vốn) trước khi cho thuê, chủ đầu tư có trách nhiệm trình thẩm định giá gửi Sở Xây dựng. Sở có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thông báo kết quả thẩm định gửi chủ đầu tư. Căn cứ kết quả thẩm định giá, chủ đầu tư phê duyệt ban hành giá bán, cho thuê, thuê mua chính thức của dự án trên nguyên tắc không được cao hơn giá đã được thẩm định.

Liên quan đến vấn đề giá cho thuê nhà ở xã hội nói trên, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng mức giá này là không hợp lý, thậm chí cao hơn nhiều căn hộ thương mại đang cho thuê trên thị trường.

Theo ông Toản, căn hộ thương mại với diện tích 60m2 tại Thanh Xuân có mức giá cho thuê là 11 triệu đồng/tháng hay 1 căn chung cư mini 2 phòng ngủ giá thuê cũng chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu theo bảng giá trong đề xuất thì nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà thương mại cho thuê, trong khi lại có vị trí xa trung tâm hơn.

“Tôi cho rằng đề xuất này mang tính thương mại và ít mang tính an sinh xã hội, vì vậy cần phải xem xét lại. Mức giá cho thuê nhà ở xã hội chỉ nên khoảng 5 triệu đồng/tháng thì mới phù hợp với người có thu nhập thấp. Bởi một gia đình có 2 con với thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, nếu thuê nhà ở xã hội mất 10 triệu đồng/tháng (chiếm 50% thu nhập) thì chắc chắn không thể đủ sống tại Hà Nội khi mà giá cả hiện đắt đỏ, chi phí cho học hành cũng rất tốn kém", ông Toản cho biết.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cũng nhận định, với mức giá đề xuất cho thuê nhà ở xã hội cao nhất lên đến 14 triệu đồng/tháng, loại hình nhà này thậm chí còn đắt hơn cả nhà ở thương mại giá rẻ. Hiện nay, nhiều căn hộ diện tích khoảng 40m2 được trang bị đầy đủ nội thất chỉ có giá thuê từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, phù hợp với người có thu nhập thấp vì chỉ chiếm khoảng 1/4 thu nhập hàng tháng của họ.

Nếu giả định thu nhập là 20 triệu đồng mà chi phí thuê nhà đã vượt quá 10 triệu, chắc chắn người thu nhập thấp sẽ không lựa chọn thuê. Họ sẽ ưu tiên thuê các căn hộ chung cư mini ở khu vực trung tâm hơn là phải trả gấp đôi để ở xa trung tâm. "Nếu đề xuất này được thông qua, tôi e rằng nhà xây xong cũng khó có người thuê. Điều này vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa không giải quyết được vấn đề an sinh xã hội", ông Tuấn bày tỏ lo ngại.

Vì vậy, ông Tuấn đề xuất rằng nhà ở xã hội cần được thiết kế để tối giản các chi phí, qua đó giảm bớt vốn đầu tư. Điển hình như cần nghiên cứu phát triển quỹ đất riêng và xây dựng nhà thấp tầng, không cần xây tầng hầm, nhằm giảm chi phí xây dựng.

Còn nhiều bất cập trong phát triển nhà ở xã hội

Thực tế cho thấy, tại nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay, tỷ lệ lấp đầy của quỹ căn cho thuê thường không đạt yêu cầu, nguyên nhân cũng có thể đến từ việc giá cho thuê chưa hợp lý.

Mới đây, phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích theo quy định, phải chờ sau 5 năm mới được bán, gây nhiều lãng phí nguồn lực xã hội, giảm hiệu quả thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng chưa đủ sức hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Về kết quả thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.