Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường là nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nhưng không biết phải làm gì. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, giới đầu tư phấp phỏng lo âu như “ngồi trên đống lửa” với sự sụt giảm nghiêm trọng của hầu hết các kênh đầu tư.
Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy vẫn có lượng NĐT tìm kiếm BĐS giữa mùa dịch Covid-19 vì cho rằng đây là “vịnh tránh bão” hợp lý nhất lúc này, bởi BĐS là tài sản hiện hữu, nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn chưa bao giờ “nguội”. Mặc dù vậy với tình cảnh hiện nay khi người dân phải hạn chế ra ngoài, tiếp xúc, tập trung nơi đông người thì việc đầu tư, kinh doanh, gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường lúc này cũng khá khó khăn.
Một NĐT lâu năm sống tại Q.Thủ Đức, Tp.HCM tỏ ra khá “sốt ruột” với tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng phần nào đến dòng tiền đầu tư. Khoảng 2 tuần trước, NĐT này đã “xuống tiền” một nền đất tại thị trường Đồng Nai. Trong khi vẫn muốn tìm kiếm thêm kênh đầu tư ở một thị trường khác nhưng do tình hình dịch bệnh không đi lại tìm hiểu thị trường được. NĐT này cho biết, hiện đã kết nối với một số môi giới để xem nhà đất bằng phần mềm công nghệ, tuy vậy cũng chưa chốt được căn/nền.
Một số chuyên gia đã có những góc nhìn cá nhân về các kênh đầu tư phù hợp với những NĐT có tiền nhàn rỗi, nhất là ở thời điểm dịch bệnh này.
Đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM: Vẫn được NĐT quan tâm
Đa số các NĐT tìm kiếm đất nền tỉnh lân cận đã có kinh nghiệm đầu tư ít nhất 3-5 năm, dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc đi tìm hiểu đất đai, hoặc giao dịch nhưng theo ghi nhận, khoảng 2-3 tuần trước vẫn có khá nhiều giao dịch phát sinh ở phân khúc đất nền. Hiện tại do tình hình dịch diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại nên giao dịch chững lại rõ nét. Tuy nhiên, nhiều NĐT cho biết, họ giữ dòng tiền và chờ đợi qua dịch để tìm hiểu đất đai.
Lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng có xu hướng giảm sâu bắt đầu từ 17/3. Trong xu thế này, có hiện tượng nhiều NĐT đã âm thầm rút tiền để đầu tư vào BĐS. Một số NĐT cho hay, trong xu thế này, việc giữ tiền trong các nhà băng gần như là để đồng tiền đứng yên, vì thế không ít người đã âm thầm rút tiền ra để đầu tư vào BĐS, kênh đầu tư đang có xu hướng hạ nhiệt sau thời gian bùng nổ về giá bán. Đất nền tỉnh là một trong các kênh lựa chọn của khá nhiều NĐT giữa mùa dịch này.
Theo ghi nhận, ở một số nền đất đã có hiện tượng ngang giá so với thời điểm trước Tết nguyên đán, một số nền NĐT cần tiền gấp nên cắt lỗ… những nền này hầu như chào ra đều có NĐT khác vào mua ngay. Đa số đất nền tại tỉnh lẻ đều có giá trên dưới 1 tỉ đồng, nên phù hợp với dòng tiền nhàn rỗi của nhiều NĐT lâu năm.
Bên cạnh đất thổ cư, đất nông nghiệp ở các tỉnh giáp ranh thì đất nền ven biển miền trung cũng được các NĐT quan tâm ở thời điểm này. Bỏ dòng nhàn rỗi và chờ đợi cũng là cách mà NĐT có tầm nhìn đón sóng dòng tiền của mình trong dài hạn ở bối cảnh hiện nay.
Căn hộ: Có hiện tượng giá giảm trên thị trường thứ cấp
Đây cũng là phân khúc nhận được sự quan tâm của người mua ở thực khi có tích lũy kha khá. Nhiều người tranh thủ tìm nhà lúc thị trường đang có hiện tượng chững giá hoặc giá giảm nhẹ trên thị trường thứ cấp.
Ghi nhận cho thấy, bên cạnh các dự án giá cao giao dịch chậm thì có những dự án trên dưới 2 tỉ đồng/căn “manh nha” thông tin ra thị trường đăng kí mua vượt cả “rổ hàng”. Trong đó lượng NĐT mua để đầu tư khá nhiều.
Đại diện một sàn BĐS tại Tp.HCM cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp có giảm nhẹ từ 5-7%, trong khi giá ở thị trường sơ cấp không giảm nhưng cũng không tăng rõ nét. Nhân viên môi giới vẫn đảm bảo làm việc online và chào khách bằng cellphone, email, MKT online....
Theo các doanh nghiệp, dĩ nhiên trong lúc thị trường khó khăn không thể kì vọng giao dịch tốt như thời điểm chưa dịch. Nếu trước đó, trước bối cảnh khan cung, những dự án nào đủ điều kiện ra hàng là một lợi thế rất lớn, CĐT có thể tăng giá, nhưng hiện do dịch bệnh nên người người hạn chế tiếp xúc đám đông, hoạt động mở bán giới thiệu dự án bị hoãn lại thì không thể lấy việc tăng giá để áp dụng ở bối cảnh này được. Tuy việc bán hàng chậm nhưng với doanh nghiệp BĐS vẫn phải hoạt động và cố gắng để có khách hàng “nhỏ giọt”, duy trì hoạt động chờ thị trường hồi phục.