Chị Nguyễn Ngọc (Hà Nội) chia sẻ, chị và chồng đang phân vân có nên bỏ ra 4 tỷ đồng để mua một mảnh đất không sổ đỏ giữa trung tâm Hà Nội.
Theo đó, 3 năm trước, gia đình chị thuê một ngôi nhà trên mảnh đất hơn 100m2 tại khu vực tập thể bệnh viện 198 để ở. Khu vực này là đất của bệnh viện cấp cho cán bộ bác sĩ từ những năm 1990. Đa phần các cán bộ nhân viên của bệnh viện được cấp đất trước đó giờ đã cao tuổi và về hưu. Tuy nhiên, các mảnh đất tại đây chưa được cấp sổ đỏ do vấn đề phân định địa giới khu vực này thuộc quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch) hay quận Nam Từ Liêm (phường Mỹ Đình 2).
Theo chị Ngọc, chủ nhân mảnh đất gia đình chị thuê là của vị bác sĩ làm việc tại bệnh viện 198 tuy nhiên hiện tại, bác đã mất. "Người con của bác ngỏ ý muốn bán lại cho chúng tôi với mức giá chỉ 4 tỷ đồng. Nếu so với giá mặt bằng chung thì mức giá này thực sự rất rẻ. Đây là khu vực dân trí cao, không khí thoáng đãng, đường ngõ rộng. Theo tôi khảo sát nếu tính ở khu vực này thì giá 4 tỷ đồng chỉ mua được mảnh đất 30m2".
"Vợ chồng tôi đều muốn mua mảnh đất này nhưng điều khiến cả 2 đang khúc mắc đó là tính pháp lý của mảnh đất. Liệu sau này mảnh đất có thể làm được sổ đỏ không khi hàng năm người cho gia đình tôi thuê đều nộp thuế hàng năm. Giấy tờ cấp đất đều có từ năm 1990. Liệu rằng khi mua có lo ngại bị thu hồi hay không? Tôi quan sát thấy các gia đình xung quanh đều xây dựng nhà kiên cố dù đất không sổ đỏ. Và làm thế nào tôi có thể chứng minh người con gái của chủ mảnh đất này có đủ quyền bán nhà cho tôi trong khi chủ đất đã mất, chị Ngọc đặt ra câu hỏi.
Phân tích về thương vụ này, anh Nguyễn Quang (lãnh đạo một công ty bất động sản tại Hà Nội) cho rằng: "Nếu bỏ 4 tỷ vào mua mảnh đất hơn 100m2 không có sổ đỏ là quyết định rất mạo hiểm.
Cụ thể, nếu trong trường hợp mảnh đất này được cấp sổ đỏ thì người có tên trong quyết định cấp đất sẽ đứng tên sổ ngay cả khi đã mất. Sau đó, mảnh đất mới được chuyển nhượng thừa kế cho vợ và các con. Tiếp tới, gia đình chị Ngọc nếu mua mới được chuyển nhượng. Và để được đứng tên trên sổ, gia đình chị Ngọc phải được sự chấp nhận của vợ và toàn bộ con cái của người bác sĩ.
Giả sử một trong những người con của vị bác sĩ đã mất thì gia đình chị Ngọc còn phải xin chữ ký của thế hệ tiếp theo. Thủ tục này khá lằng nhằng. Sẽ có thể xảy ra rủi ro như, mua bán bằng giấy tờ tay, chuyển tiền xong nhưng phải vài năm sau, sổ đỏ mới được cấp. Liệu lúc đó chị Ngọc có thể thể xin được tất cả chữ ký của người đã liên quan hay không là vấn đề cực kỳ phức tạp".
Theo anh Quang, rủi ro mà người mua đất không sổ đỏ rất lớn. Trong nhiều năm tư vấn, môi giới, anh Quang đã từng gặp phải trường hợp như nhà đầu tư mạnh tay mua đất dịch vụ chưa sổ. Đến thời gian làm sổ, chủ đất phải xin chữ ký tất cả người liên quan đến mảnh đất đó trước đây.
"Nếu họ dễ tính, họ có thể kí cho. Nhưng chủ đất mới tốn khoản chi phí lớn để cám ơn những người liên quan tới mảnh đất này. Một số trường hợp tôi gặp, chủ đất mới khổ sở vì phải đi xin chữ ký, năn nỉ rồi quà cáp nhưng vẫn bị "hành". Kết quả, có người phải bỏ cuộc. Trường hợp này khá phổ biến tại Hoài Đức khi đất dịch vụ thu hút nhà đầu tư", anh Quang kể.