Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư đất nền ở thời điểm này không còn "ngon", dễ ăn như trước, ở cả đất nền ven HCM và tỉnh lân cận. Đáng nói, đầu tư lướt sóng để kiếm chênh trở nên khó khăn ở giai đoạn này.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho rằng, nhà đầu tư lướt sóng đất nền gặp nhiều rủi ro khi đại dịch bùng phát. Nhiều giao dịch lướt sóng mắc cạn do dịch và tâm lý của người mua chưa thực sự ổn định trở lại, trong bối cảnh dịch chưa hoàn toàn chấm dứt.
Chưa kể, bước sang năm 2022 thanh khoản thị trường bị thách thức bởi giá bất động liên tục tăng. Theo đó, cơ hội để chốt lời bất động sản ngắn hạn kiểu lướt sóng gần như biến mất, nhường chỗ cho đầu tư tài sản dài hạn.
Còn theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nhóm đầu cơ địa ốc, đang chiếm 15% tổng giao dịch thị trường hiện nay với khả năng lũng đoạn giá bất động sản khá lớn. Các nhà đầu cơ này vốn là những tay chơi hoạt động ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Tay phải họ tích trữ tài sản nhưng tay trái sẽ tác động đến việc đẩy giá, kích giá để tối ưu hóa lợi nhuận. Nhóm đầu cơ này thường xuất hiện trong các đợt sốt giá nhà đất và đóng vai trò chi phối giá nhà đất, kích thích giao dịch diễn ra một cách có chủ đích.
Tuy nhiên, hiện nay những động thái "siết chặt" BĐS cũng đã ảnh hưởng phần nào đến việc kích giao dịch của nhóm này. Theo đó, phân khúc đất nền vẫn được quan tâm nhưng không còn diễn ra cảnh mua bán ồ ạt, giá nào cũng mua như giai đoạn trước.
"Với bối cảnh thị trường hiện nay, chỉ có các tay chơi chuyên nghiệp và giới đầu cơ hưởng lợi, có thể chốt lời được lãi kép khi bất động sản đội giá thời lạm phát. Ngược lại nhóm nhà đầu tư F0 và người mua nhu cầu thật chịu không ít rủi ro", chuyên gia Trần Khánh Quang cho hay.
Đối với người mua có nhu cầu thật, giá bất động sản tăng khiến họ khó ra quyết định mua nhà do phải cân nhắc biến số tài chính. Còn đối với nhà đầu tư F0, cơ hội để chốt lời hoặc xả hàng không cao khi thanh khoản thị trường có xu hướng giảm do lạm phát tăng. Đây cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận khi đầu tư đất nền nói riêng, BĐS nói chung ở thời điểm này.
Báo cáo quý 1/2022 của DKRA Vietnam chỉ ra, phân khúc đất nền tại thị trường TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mở bán mới trong quý, các giao dịch trên thị trường chủ yếu là loại hình cá nhân đứng ra phân lô, quy mô nhỏ lẻ, dưới 2 ha. Đây cũng là thị trường có mức giá đất nền tăng cao nên nhu cầu về đầu tư cũng giảm so với trước đây, bởi biên độ lợi nhuận không còn nhiều.
Trong khi đó, đất nền tỉnh vẫn chiếm ưu thế cả về nguồn cung lẫn sức cầu. Đơn vị này chỉ ra, thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung mới do quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm. Trong đó, Long An dẫn đầu toàn thị trường khi chiếm 43% nguồn cung và 56% lượng tiêu thụ mới trong quý.
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong Quý 2/2022 có thể tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu ở các thị trường giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc (Long An). TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu.
Các chính sách hỗ trợ chiết khấu, thanh toán vẫn được các chủ đầu tư duy trì giúp nâng cao hiệu quả bán hàng. Giá bán sơ cấp, ghi nhận tăng phổ biến ở mức 3% - 7% so với quý trước. Thanh khoản thứ cấp tiếp tục phục hồi, đặc biệt là ở thị trường các tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, nhiều cảnh báo cũng được các chuyên gia đưa ra thời điểm này, khi các cơn sốt đất nền tỉnh đang gây ra những hệ luỵ nhất định. Trong cơn sốt đó, mặt bằng giá tăng cao, những NĐT vào sau dễ gặp rủi ro về thanh khoản, biên lợi nhuận.
#/co-nen-dau-tu-dat-nen-trong-nam-2022-20220415133908622.chn