Cơ hội để ngành sản xuất vật liệu “xanh” Việt Nam bứt phá

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường cùng sự phát triển của đô thị hiện đại, vật liệu xây dựng “xanh” đang trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu của mỗi công trình, đặc biệt là sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng.

Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là vật liệu xanh) ngày càng được ưu chuộng trong xây dựng, kiến trúc đang mở ra cơ hội mới cho ngành sản xuất này bứt phá.

Xu hướng sử dụng vật liệu xanh "tỉ lệ thuận" với sự phát triển đô thị

Với tỷ lệ đô thị hóa cao cùng sự gia tăng nhanh chóng của các tòa nhà cao tầng, chung cư, khách sạn… Việt Nam đang sở hữu một thị trường rộng lớn cho sự phát triển ngành xây dựng, đồng thời thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Theo thống kê, bình quân mỗi năm Việt Nam ước có khoảng 80 – 90 triệu m2 hạ tầng xây dựng, trong đó, vật liệu xây dựng chiếm tới 30 – 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng.

Đặc biệt, trên thị trường cung ứng vật liệu xây dựng hiện nay, vật liệu xây dựng xanh đang là xu hướng được ưa chuộng rộng rãi. Trong đó, kính tiết kiệm năng lượng chiếm tỷ trọng đáng kể bởi tính thẩm mỹ, hiện đại và hiệu quả tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Theo đánh giá của Hiệp hội kính và thủy tinh Việt Nam, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm xanh ngày một tăng cao. Điều này góp phần khẳng định sự ưa chuộng của loại hình vật liệu này trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc.

Cũng chính vì thế, đòi hỏi về tiêu chuẩn sản phẩm cũng ngày càng gắt gao hơn, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng mà còn phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần có của vật liệu xây dựng xanh.

Cơ hội để ngành sản xuất vật liệu “xanh” Việt Nam bứt phá - Ảnh 1.

Kính xây dựng thông thường đang được thay thế dần bằng kính tiết kiệm năng lượng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững

Xu hướng xây dựng bền vững khuyến khích sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm hạn chế tối đa tác động lên môi trường mà vẫn đảm bảo công năng, thẩm mỹ và hiệu quả kinh tế của công trình. Sự xuất hiện của dòng kính tiết kiệm năng lượng với các chức năng tối ưu hóa cho nhà ở hiện đại đã và đang trở thành ưu tiên hàng đầu, được ngành xây dựng, kiến trúc đặc biệt ưu ái.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Mặc dù ngành vật liệu xây dựng những năm trở lại đây đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững. Tại tọa đàm Xây dựng đề án "Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định: cần hướng đến phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng, đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tại tọa đàm, đại diện Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cũng đề xuất trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Đối với ngành sản xuất kính xây dựng, mặc dù có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng lại khá hiếm đơn vị có đủ khả năng sản xuất được dòng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng. Tại Việt Nam, Viglacera là một trong số ít doanh nghiệp sở hữu Nhà máy gia công kính tiết kiệm năng lượng với dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến bậc nhất hiện nay. 

Nhà máy này là một trong số ít sử dụng công nghệ tiên tiến về tôi kính bởi hệ thống tuần hoàn khí nóng cả phía trên và phía dưới giúp nhiệt độ tấm kính được nâng lên đồng đều trên toàn bộ diện tích nung. Đặc biệt với công nghệ này tôi được sản phẩm kính phủ từ 2 đến 3 lớp bạc với độ phát xạ (E-value) bé hơn hoặc bằng 0,02.

Các sản phẩm kính từ thương hiệu này đều được Viện nghiên cứu IFT Rosenheim kiểm tra và chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế DIN 1096:2012 (CHLB Đức).

Cơ hội để ngành sản xuất vật liệu “xanh” Việt Nam bứt phá - Ảnh 2.

Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những công trình sử dụng sản phẩm kính từ Viglacera

Trên thị trường, vật liệu xây dựng xanh như kính tiết kiệm năng lượng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm kính truyền thống. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn với vòng đời sử dụng dài hơn. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán, vật liệu xanh nói chung và kính tiết kiệm năng lượng nói riêng sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công trình hiện đại