Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn và Đầu tư, Savills Hà Nội cho rằng, “sức khỏe” nền kinh tế của Việt Nam hiện tại khá lành mạnh, khác xa so với thời kỳ 2011-2012 nên kịch bản 10 năm trước khó có thể tái hiện lại.
Khó xảy ra "bong bóng" bất động sản
Nửa đầu năm 2022, diễn biến thị trường bất động sản khá phức tạp khi lên bổng - xuống trầm. Hiện, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) đang chững lại. Ông có đồng tình?
Ông Đỗ Duy Thành: Nửa đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái mạnh để kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS khỏi nguy cơ "bong bóng", bao gồm việc kiểm soát cả kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Không chỉ vậy, việc rà soát lại thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất cũng là một trong những lý do ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch BĐS. Thêm vào đó, thanh khoản giảm, cùng với việc thiếu hụt nguồn cung cũng làm cho thị trường kém sôi động, đặc biệt là phân khúc người dùng tầm trung và bình dân, các đối tượng trẻ từ dưới 30-35 đang có nhu cầu rất lớn. Do đó có thể thấy diễn biến thời gian qua của thị trường BĐS khá phức tạp.
Từ những dữ liệu thực tế cho thấy tình trạng trầm lắng sẽ vẫn diễn ra ít nhất cho đến hết năm 2022. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tái cơ cấu lại các khoản đầu tư và sản phẩm theo hướng chú trọng đến thanh khoản, thay vì chờ thị trường hồi phục để được lãi lớn. Đặc biệt, những nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp đang lướt sóng, dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ đứng trước áp lực lãi vay, bắt buộc phải cắt lỗ. Thêm vào đó các vướng mắc về pháp lý để bổ sung nguồn cung cho thị trường cũng sẽ không được giải quyết một sớm một chiều.
Có thể nói rằng đối với thị trường BĐS, giai đoạn này là lúc dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc. Vẫn quá sớm để kết luận rằng tình hình BĐS sẽ tiếp tục xấu đi hay sẽ có khởi sắc sau năm 2022, nhưng chắc chắn những động thái của Chính phủ sẽ góp phần tạo nên một thị trường BĐS lành mạnh với tiềm năng phát triển bền vững.
Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn và Đầu tư, Savills Hà Nội.
Có một nghịch lý đang diễn ra là thị trường bất động sản chững, thanh khoản thấp nhưng giá vẫn trên đà tăng. Xin ông lý giải hiện tượng trên và vì sao giá chưa giảm?
Ông Đỗ Duy Thành: Hiện tượng giá vẫn tăng là do được tạo ra bởi một số nhóm nhà đầu tư/môi giới, những người vẫn chưa chấp nhận sự thật rằng thị trường không còn tăng trưởng như giai đoạn 2021 và vẫn đang còn "hàng" trong cơ cấu đầu tư của họ, nhưng không chịu bán cắt lỗ. Giá những nhà đầu tư đó đưa ra thường sẽ khá cao để trang trải được cả chi phí lãi vay, đảm bảo lời và vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như không có hoặc rất ít giao dịch được thực hiện với mức giá chào như vậy. Điều này dẫn đến người có nhu cầu thực muốn mua thì sẽ khó đàm phán giá, người muốn bán thì đua nhau đưa giá cao nên khó bán, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
Hiện tượng giá này vẫn sẽ đeo bám thị trường một thời gian, cho đến khi các nhà đầu tư nhận thức được thực trạng, hay không chịu nổi áp lực của đòn bẩy tài chính,.. thì giá sẽ tự động được điều chỉnh thông qua các giao dịch có giá trị hợp lý hơn.
Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm đã xuất hiện những dấu hiệu lạ, cần lưu ý. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại thị trường sắp sửa xuất hiện "bong bóng", giống như kịch bản 10 năm trước - thời kỳ năm 2011-2012. Liệu kịch bản này có thể lặp lại không, thưa ông?
Ông Đỗ Duy Thành: "Sức khỏe" nền kinh tế của Việt Nam hiện tại khá lành mạnh, khác xa so với thời kỳ 2011-2012 nên kịch bản 10 năm trước khó có thể tái hiện lại. Hiện tượng giá tăng nhưng thanh khoản thấp chủ yếu xuất hiện từ môi giới nhỏ, cò đất và các nhà đầu tư không chuyên, hơn nữa chỉ xuất hiện tại một vài khu vực. Còn ở những sàn giao dịch BĐS lớn tình hình giá vẫn tương đối ổn định.
Cùng với đó, Chính phủ cũng có nhiều tác động để giữ cho thị trường cân bằng về tổng thể như chính sách tín dụng thận trọng, tập trung củng cố thể chế và hành lang pháp lý… "Siết" tín dụng bất động sản chỉ tập trung chủ yếu vào các dự án không có tính khả thi hay việc sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích của chủ đầu tư. Việc nắn chỉnh để nâng cao chất lượng tín dụng là cần thiết cho một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Thanh lọc thị trường, hạn chế đầu cơ
Mặc dù, với loạt động thái kiểm soát tín dụng, cấm phân lô tách thửa, siết thuế chuyển nhượng… đã tác động mạnh đến thị trường nhưng ở góc độ tích cực, việc này đã giúp thị trường bất động sản thanh lọc mạnh mẽ. Ông có nghĩ vậy?
Ông Đỗ Duy Thành: Chúng ta có thể thấy, các chính sách về kiểm soát tín dụng và thắt chặt thị trường thời gian qua đã khiến cho dòng tiền chảy vào ngành BĐS bị hạn chế so với trước. Tuy nhiên điều này mang lại nhiều tích cực như giúp thanh lọc thị trường, lựa chọn được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính và hạn chế được những thế lực muốn đầu cơ vào thị trường, từ đó giữ cho thị trường ổn định về tổng thể.
Về ngắn hạn, những chính sách này sẽ làm thị trường chững lại, tuy nhiên về lâu dài, thị trường sẽ từng bước ổn định và phát triển. Những khoản tín dụng được cấp đúng tiêu chuẩn, đúng mục đích cho dự án có hiệu quả cao cả về kinh tế và chính trị sẽ đảm bảo tăng trưởng tín dụng có chất lượng, rủi ro về tính thanh khoản và đầu cơ cũng giảm. Bên cạnh đó, những chính sách nãy cũng góp phần thúc đẩy nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, gián tiếp góp phần vào nâng cao chất lượng và tên tuổi của các dự án bất động sản.
Theo ông, giải pháp nào để kích hoạt thị trường bất động sản sôi động trở lại?
Chuyên gia cho rằng, việc tất yếu vào thời điểm hiện tại là gia tăng nguồn cung.
Ông Đỗ Duy Thành: Việc tất yếu vào thời điểm hiện tại là gia tăng nguồn cung. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là chính sách và pháp lý. Nếu quá trình pháp lý được đẩy nhanh và tháo gỡ được các điểm nghẽn về thủ tục, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án thì sẽ có nguồn cung dồi dào ra thị trường.
Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện tài chính của đa số người mua BĐS, các dự án tầm trung và nhà ở xã hội cần được đẩy mạnh. Muốn thực hiện điều đó thì cần có nhiều ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp để họ phát triển loại hình dự án này.
Bên cạnh đó, yếu tố về nguồn vốn cũng đặc biệt quan trọng. Không chỉ tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt, mà ngay cả người muốn vay vốn mua nhà cũng khó khăn hơn. Do vậy, nếu nguồn vốn tiếp tục ách tắc, thị trường BĐS sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Để đảm bảo thị trường sôi động, cung và cầu luôn cần sự cân bằng, từ đó giá bất động sản sẽ trở nên ổn định, tốt hơn do tạo được sự cạnh tranh trên thị trường.
Xin ông đưa ra dự báo về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới? Phân khúc nào sẽ ngược sóng giữa lúc thị trường trầm lắng?
Ông Đỗ Duy Thành: Mỗi phân khúc trong thị trường có đặc điểm khác nhau. So với các giao dịch nhà ở, biệt thự hay căn hộ có độ trầm trong thời gian gần đây, phân khúc BĐS du lịch/ nghỉ dưỡng, hay bất động sản công nghiệp vẫn hoạt động khá tốt.
Ví dụ như phân khúc BĐS du lịch/ nghỉ dưỡng đang hồi phục rất mạnh. Việc mở cửa đường bay lẫn vaccine hộ chiếu du lịch… đã giúp cho các tài sản thuộc phân khúc này đón tiếp một lượng khách du lịch đông đảo. Hay như BĐS công nghiệp, sau khi mở cửa đường bay, các hoạt động và dòng vốn FDI về Việt Nam không ngừng tăng lên, không những vậy, BĐS công nghiệp còn đang có làn sóng dịch chuyển nhiều từ Nam ra Bắc và một số tỉnh miền Trung.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
#/chuyen-gia-savills-noi-gi-ve-nguy-co-xuat-hien-bong-bong-bat-dong-san-nhu-10-nam-truoc-20220802085347998.chn