Dưới những động thái "siết chặt" với thị trường BĐS thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng một phần đến động thái của người mua, từ đó thị trường BĐS cũng nảy sinh những yếu tố bất lợi.
Chia sẻ trên báo chí, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, lạm phát cộng với động thái ngân hàng ‘siết’ chặt tín dụng đổ vào bất động sản….sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tái cơ cấu lại nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp hơn. Đối với người mua cũng sẽ phải thận trọng hơn, cẩn thận hơn vì những yếu tố đó ảnh hưởng đến tâm lý.
Theo vị chuyên gia này, với những doanh nghiệp bất động sản lớn vay tiền cũng không được, phát hành trái phiếu cũng không xong, Nhà nước đang siết chặt, đồng thời tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp khác thì các doanh nghiệp lớn sẽ buộc phải đưa chiến lược nhẹ nhàng hơn, không đưa những sản phẩm giá cao, mà sẽ đưa những sản phẩm phù hợp với thị trường.
"Do đó, khoảng 2-3 tháng tới, thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh, sẽ đứng lại. Giá nhà trên thị trường sẽ xuống. Người mua cũng trong tâm lý dè chừng thì giá BĐS cũng sẽ đứng lại và đi xuống từ từ, điều chỉnh ổn định lại.
Việc siết chặt với BĐS dự đoán sẽ gây ra tâm lý về mặt đầu tư, từ đó hạn chế dòng tiền của NĐT đổ vào BĐS. Đây là tình huống mà một số chuyên gia đặt ra trong bối cảnh mà thị trường BĐS đang chứng kiến những thông tin bất lợi.
Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRR Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn này, tâm lý nhà đầu tư địa ốc sẽ bị ảnh hưởng phần nào, trước những động thái "siết chặt" của thị trường BĐS. Tâm lý nhà đầu tư biến động theo hai hướng: Hướng thứ nhất, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy bất ổn trên thị trường tài chính, sẽ có tâm lý lung lay chuyển tài sản sang BĐS; thứ hai, sẽ có nhóm NĐT sẽ e dè trong quyết định mua BĐS của CĐT ở giai đoạn này.
"Nếu chưa sở hữu BĐS, nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ hơn với BĐS. Với những NĐT đang nắm giữ tài sản thì băn khoăn có nên ra hàng ở thời điểm này hay không, có giảm giá để ra hàng nhanh hay không. Nói chung, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường có sự dao động nhất định", chuyên gia CBRE Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, BĐS vẫn là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ lạm phát.
Chia sẻ tại toạ đàm về BĐS mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, năm 2022 không phải là năm bất động sản có thể tăng giá. Dự đoán sẽ có nhiều vùng phải giảm giá thì mới bán được nếu người đó muốn thanh khoản. Trong năm 2021, những vùng xa, những khu vực nhà đầu tư đón đầu với hy vọng tăng bằng lần thì bây giờ đã chững lại. Nhà đầu tư sẽ rút tiền về những nơi vững chắc hơn.
"Hiện giờ, nhà đầu tư không nên nói về câu chuyện BĐS tăng giá hay không mà chú ý đến thanh khoản, tức chỗ đó còn có người muốn mua hay không", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Một vài nhận định của các chuyên gia trong ngành lại cho rằng, việc ngân hàng siết tín dụng hay quản lý BĐS chặt chẽ hơn cũng là những yếu tố đã có lộ trình trước đó. Điều này có thể làm "xao động" nhẹ tâm lý của các nhà đầu tư nhưng sẽ ổn định nhanh chóng sau đó.
Chia sẻ trên báo chí, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, thị trường có thể rung lắc nhất định. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể sẽ đắn đo trong việc đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn.
"Người ta sẽ đắn đo hơn trong việc mưu tìm lợi nhuận đàng hoàng chứ không cố tình tìm cách lách luật hoặc ngang nhiên "bẻ chữ" trong luật để tư lợi. Nền kinh tế muốn phát triển bền vững, rất cần những nhà đầu tư nghiêm túc, không phải những người lợi dụng kẽ hở pháp luật, dùng thủ thuật này hay thủ thuật khác để trục lợi. Cần loại ra khỏi thị trường những cá nhân dùng mọi thủ đoạn để làm giàu, vì họ không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước mà chỉ muốn thu lợi cá nhân", GS. Đặng Hùng Võ thẳng thắn chia sẻ.
Còn việc kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS là việc nên làm. Thời gian qua, theo GS Võ, việc bị đẩy giá, sốt giá quá cao một phần là do những hành vi gây nhiễu thị trường. Việc bình ổn lại thị trường do đó là nhu cầu tất yếu. Nếu không xử lý mạnh tay thì sẽ tiếp tục là những hệ lụy về lạm phát, khủng hoảng tiền tệ, tài chính hay mức nặng nhất là khủng hoảng kinh tế.
#/chuyen-gia-noi-gi-ve-thi-truong-bds-thoi-gian-toi-20220415085627751.chn