Thị trường vẫn lạc quan hậu Covid-19
Báo cáo thị trường Hà Nội BĐS quý 2 của Công ty Savills cho biết cách ly xã hội chỉ kéo dài 22 ngày giúp giảm áp lực tiêu cực. Trong quý 2/2020, năm dự án mới và giai đoạn tiếp theo của bảy dự án cung cấp khoảng 6.200 căn hộ mới, tăng 28% theo quý nhưng giảm 6% theo năm. Nguồn cung sơ cấp tăng 5% theo quý nhưng giảm 6% theo năm xuống còn 29.200 căn hộ.
Hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 74% thị phần. Niềm tin của chủ đầu tư và người mua được khôi phục góp phần đẩy nhanh tốc độ mở bán mới và hoạt động thị trường trong quý 2. Thị trường ghi nhận 5.400 giao dịch, tăng 11% theo quý nhưng giảm 43% theo năm. Nửa đầu năm có 10.300 giao dịch, giảm 47% theo năm, tỷ lệ hấp thụ đạt 30% và giảm 17 điểm % theo năm.
Giá bán sơ cấp có xu hướng tăng
Theo đại diện Savills, dịch bệnh gây ảnh hưởng đến số lượng giao dịch trong nửa đầu năm tuy nhiên giá bán trung bình sơ cấp ổn định theo quý nhưng tăng 7% theo năm đạt 1.460 USD/m2.
Khảo sát Thị trường nhà ở toàn cầu của Savills cũng cho biết, 53% người được hỏi cho biết giá bất động sản tại thị trường nước họ không thay đổi trong nửa đầu năm 2020 so với nửa đầu năm 2019. Mặc dù nền kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới đã rơi vào suy thoái, lần này không giống như khủng hoảng tài chính trước kia khi người mua nhà sử dụng nhiều vốn vay.
"Nguồn cung khan hiếm cộng với nhu cầu mua nhà vẫn ở mức cao, lượng tiền trong dân nhiều là những yếu tố thúc đẩy giá bất động sản tiếp tục tăng cao", bà Hằng khẳng định.
Nguồn cung mở rộng ra các huyện ngoại thành
Cùng với quy hoạch mở rộng đô thị Hà Nội, bà Hằng cho biết nguồn cung căn hộ đã mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành. Năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 10% nguồn cung. Trong Quý 2/2020, bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm 2020 nhờ hoạt động tốt của khu vực phía Đông.
Các dự án lớn ở ngoại ô trong tương lai bao gồm Xuân Mai Smart City (3.072 ha), Vinhomes Cổ Loa (299 ha), BRG Smart City (272 ha) và Vinhomes Wonder Park (133 ha). Những dự án này được xem như là một giải pháp bền vững để giảm bớt những gánh nặng về vấn đề dân số, tắc nghẽn giao thông hay thiếu hụt hạ tầng.
Nguồn cầu trong dân vẫn rất lớn
Theo báo cáo của Savills, thị trường nhà ở là phân khúc ổn định. Quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số mạnh mẽ và quy mô hộ gia đình giảm tạo ra nguồn cầu về nhà ở. Tính đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 37% thấp hơn so với các nước Đông Nam Á (50%) và Châu Á (51%).
Tốc độ đô thị hóa chậm cho thấy tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai. Dân số Việt Nam đạt 96 triệu người trong năm 2019 và dự kiến đạt 120 triệu vào năm 2050 với tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 57%.
Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số và được dự đoán sẽ lên mức 26% vào năm 2026. Tổng số hộ gia đình tăng 1,8% mỗi năm trong giai đoạn 2009-2019. Mỗi hộ dân trung bình có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người so với 2009.
"Chính vì vậy, nguồn cầu về nhà ở tại Hà Nội vẫn rất lớn, cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản còn rất nhiều", bà Hằng khẳng định.
Triển vọng thị trường tươi sáng
Theo số liệu của Savills, trong nửa cuối năm 2020, khoảng 24.200 căn hộ từ bốn dự án hiện tại và 18 dự án tương lai sẽ ra mắt thị trường, hạng B tiếp tục dẫn đầu thị trường. Trong số 22 dự án này, 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng. Các quận/huyện dẫn đầu nguồn cung bao gồm Từ Liêm với 45% thị phần, Gia Lâm với 32% và Hoàng Mai với 9% thị phần.
Nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền từ đầu tư căn hộ chung cư
Đánh giá về cơ hội đầu tư phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội, bà Hằng khẳng định vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư vì biên độ giá vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù nguồn cung và lượng tồn kho trên thị trường nhiều, tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ giảm tuy nhiên nhìn một cách tổng thể giá căn hộ vẫn có xu hướng liên tục tăng qua vài năm qua. Bằng chứng dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm nhưng xu hướng tăng giá chung cư tại Hà Nội vẫn không đề bị ảnh hưởng