Ghi nhận gần đây cho thấy, ở một số khu vực như huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Định Quán (Đồng Nai); Tân Uyên, Bàu Bàng (Bình Dương); Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có dấu hiệu về giao dịch đất nền. Dù sức cầu vẫn yếu hơn so với giai đoạn trước nhưng sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư theo các môi giới là tín hiệu tốt.
Liên hệ với môi giới chuyên thị trường đất nền Long Thành (Đồng Nai) được biết, khoảng gần 2 tháng nay, khách hàng đã đi xem nhà đất trở lại. Dù giao dịch chưa nhiều (chỉ được 1-2 nền trong vòng 3 tháng trở lại đây) nhưng việc khách chịu đi xem đất được xem là có hi vọng về giao dịch. Theo môi giới này, thời điểm “kinh khủng” nhất là cuối năm 2022 đến sau Tết nguyên đán, gần như không có khách nào chịu đi xem nhà đất. Môi giới rơi vào trạng thái “ở không”, và tỉ lệ bỏ nghề thời điểm đó cũng tăng mạnh.
Đến nay, dù giao dịch chưa phát sinh nhiều nhưng theo môi giới thị trường có hi vọng hồi phục thanh khoản. Môi giới tỉnh cũng tăng tốc đăng tin rao bán, tăng cường tìm khách thời điểm này.
Mới đây, tiếp xúc với một nữ môi giới chuyên bán nhà đất thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu nhận thấy, người mua đã quay trở lại thị trường. Các giao dịch đã phát sinh ở cả sản phẩm ngộp và không ngộp. Nhà đầu tư chịu xuống tiền được xem là tín hiệu tốt, kì vọng cho sự hồi phục thanh khoản. “Hiện người mua đã đi xem đất khá đông, chủ yếu là các nhà đầu tư mua sản phẩm diện tích lớn, giá tiền cao”, môi giới này cho biết. Tuy nhiên, cũng theo môi giới, khách mua chỉ mới quan tâm ở một số khu vực có tiềm năng rõ nét, sức cầu chưa lan rộng ra toàn bộ thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu như thời điểm trước.
Ghi nhận tại huyện Cẩm Mỹ, Định Quán (Đồng Nai) nhìn chung vẫn khá im ắng nhưng thay vì bất động như giai đoạn đầu năm 2023 thì hiện nhà đầu tư đã có dấu hiệu đi xem nhà đất. Một số lô đất vườn, đất nông nghiệp đã được bán ra thời điểm này (giảm giá khoảng trên dưới 25% so với cuối năm 2021). Chị Ng, một môi giới chuyên nhà đất khu vực này cho biết, thông tin đăng lên khách hàng đã quan tâm hơn, có một số khách đã đi xem đất. Dù chưa có nhiều giao dịch nhưng nếu mảnh đất nào vị trí đẹp, gần khu thị trấn, nhà đầu tư đã “xuống tiền”. Đa số là nhà đầu tư địa phương, một số ít đến từ Tp.HCM.
“Nhà đầu tư họ nắm được tình hình thị trường, thấy được tiềm năng tăng giá khi một số tuyến đường cao tốc hình thành, đi qua nên có tiền đã đã tìm đến mua những sản phẩm giá ngộp, để đó để chờ thời”, chị Ng cho hay.
Trong khi tại thị trường đất nền Bình Dương sức cầu cũng có dấu hiệu với đất nền thuộc huyện Bàu Bàng, Tân Uyên. Tuy nhiên, người mua chủ yếu tìm đất diện tích lớn để sử dụng cho nhu cầu mở xưởng hoặc phân lô. Theo môi giới, các nền đất thổ cư diện tích 80-100m2 tại khu vực vẫn khá yếu giao dịch. Lượng người mua quan tâm đến tin đăng đã tăng so với đầu năm nhưng giao dịch chưa rõ nét.
Có thể thấy, trong tháng 7 và tháng 8/2023 tiếp tục là các tháng “ấm áp” của thị trường bất động sản phía Nam. Cụ thể, ở phân khúc đất nền, tại Tp.HCM và tỉnh lân cận có 3 dự án mở bán, trong đó có 1 dự án mới. Tổng cộng có 108 nền được rao và 24 nền được tiêu thụ (số liệu từ DKRA Group). Tuy giao dịch ở mức vừa phải nhưng lượng hàng mới này đã có tiến bộ hơn các tháng trước đó khi không có một sản phẩm nào mở bán.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông phía Nam được chú trọng đầu tư được kì vọng sẽ tạo nên sức cầu cho thị trường đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM.
Chia sẻ tại Talk Show mới đây, ông Nguyễn Duy Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Hưng nhấn mạnh, từ năm 2022 đến hiện tại, có nhiều công trình hạ tầng giao thông phía Nam được chú trọng đầu tư và xây dựng. Đây cũng chính là động lực cho thị trường bất động sản nói chung và với đất nền nói riêng.
Mặc dù vậy, theo ông Thanh, khác với thời điểm trước đây, đất nền thường ăn theo hạ tầng cao tốc thì thời gian sắp tới việc phân lô bán nền sẽ bị hạn chế nhiều. Việc chuyển nhượng cũng trở nên khó khăn hơn. Và giá đất nền cũng không tăng nhanh như thời gian trước đó.
“Thời gian phục hồi của thị trường đất nền phía Nam sẽ chậm hơn bởi các yếu tố về tâm lý đầu tư còn khá là yếu ở giai đoạn này. Những chính sách liên quan đến lãi suất và tín dụng ít nhất thì phải có độ trễ từ 3 - 6 tháng, thường là đi chậm hơn sự phát triển của thị trường. Chính vì thế mà phải qua năm 2024 mới là thời điểm của thị trường đất nền”, ông Thanh cho hay.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Nguyễn Vũ Cao, CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Vạn Khang Phát Corporation đã đưa ra nhiều nhận định về thời điểm hồi phục và khu vực dẫn đầu khả năng hồi phục của thị trường bất động sản nói chung, đất nền nói riêng.
Theo ông Cao, từ quý 4/2023, thị trường bất động sản sẽ có dấu hiệu hồi phục nhưng không phải trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, thị trường sẽ chỉ hồi phục sớm ở những địa phương có giá bất động sản chưa tăng cao, song tiềm năng tăng trưởng, giá trị nội lực của những địa phương này vẫn còn lớn, sức mua lớn. Tiêu biểu là vùng ven tại các thành phố trọng điểm.
Trước đây, người dân Việt Nam luôn có xu hướng tập trung nhiều về trung tâm các thành phố lớn dẫn đến những khu vực này thường quá tải và chật chội, dư địa cho việc phát triển thị trường bất động sản gần như không còn, vì quỹ đất khan hiếm.
Do vậy, thay vì di chuyển về vùng lõi, hiện nay vùng ven các thành phố đang trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân, nhà đầu tư bất động sản đổ về. Đặc biệt, với việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng ra vùng ven, sức mua sẽ tăng. Ở đâu có sức mua lớn, ở đó thị trường bất động sản sẽ hồi phục sớm.
“Chúng ta chưa thể dự đoán chắc chắn khả năng hồi phục của thị trường trong hai quý cuối năm như thế nào, nhưng có thể kỳ vọng thị trường sẽ chuyển biến rõ nét theo chiều hướng tích cực hơn”, vị này nhấn mạnh.
Nói về tình trạng sốt đất nền có trở lại từ cuối năm, ông Nguyễn Vũ Cao cho rằng, thời gian qua, sốt đất diễn ra là do chiêu trò của một bộ phận nhà đầu tư và tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng không có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn, nên luôn coi bất động sản là kênh đầu tư bền vững. Vì vậy, giá bất động sản đã nhiều lần bị đẩy lên cao.
Tuy nhiên, trải qua giai đoạn suy thoái 2022 - 2023, thị trường bất động sản đang tự điều tiết theo chiều hướng cân bằng để phát triển bền vững. Tình trạng “sốt nóng” sau khi thị trường bước vào chu kỳ mới khả năng không còn.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang hoàn thiện tốt hơn thể chế chính sách thông qua việc sửa đổi các bộ luật, nên có thể kỳ vọng việc quản lý thị trường bất động sản thời gian tới sẽ tốt lên. Tình trạng sốt đất như giai đoạn 2011 - 2012 và mới đây nhất là đầu năm 2022 sẽ khó xảy ra.