Bộ Tài chính vừa gửi văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội về đề cương sửa đổi 9 luật thuế gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế xuất - nhập khẩu...
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh giá mặt được, chưa được của từng luật trong quá trình thực thi cũng như tác động với đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, số lượng hàng hóa đánh thuế, số thuế, mức thuế, hoàn thuế… để đề xuất sửa đổi. Đặc biệt, với Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành đề xuất nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung vào luật, như bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản. Đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi với nền kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước; đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất.
Động thái này diễn ra sau chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Một lần nữa, thông tin đánh thuế bất động sản đã dấy lên sự quan tâm trong dư luận nhất là trong bối cảnh giá đất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước đó, đề xuất đánh thuế bất động sản đã từng được đưa ra nhưng đều gặp phải những tranh luận từ giới chuyên gia, đầu tư. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh giá hiện tại, các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế bất động sản cần thực hiện sớm, không thể vì vấn đề quy định thu thuế như thế nào hợp lý còn tranh luận mà không thu thuế.
Việc đánh thuế bất động sản nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.
Như TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đã nhiều lần đưa ra quan điểm về ủng hộ việc đánh thuế bất động sản. Ông Hiển cho rằng, ở các nước phát triển việc đánh thuế bất động sản đều được áp dụng.
Phân tích sâu hơn về lợi ích của việc đánh thuế bất động sản, TS. Hiển cho hay, lý do chính mà ông đưa ra khuyến nghị này là bởi mọi tài sản sinh lời của người dân đều phải nộp thuế ở mức hợp lý để tạo nguồn thu đều đặn cho Ngân sách có kinh phí ổn định bảo vệ quyền sở hữu an toàn và sinh lời ổn định của người sở hữu
Cũng theo vị chuyên gia này, chính sách thuế bất động sản cũng thể hiện tính hợp lý của "đất lành chim đậu". Theo đó, chính quyền đô thị, địa phương nào quản lý tốt, đầu tư hạ tầng và tạo điều kiện sản xuất kinh doanh tốt thì nhiều người tới làm ăn sinh sống, khi đó đất tăng giá, đem lại chủ đất lời cao thì cần nộp thuế.
Khi vùng đó tốt, dân đông thì chính quyền sẽ có tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng cho tốt tiếp. Do thuế bất động sản tăng nên chính quyền có tiền để tái đầu tư hạ tầng và an sinh giúp môi trường kinh tế xã hội tốt thêm.
Ông Hiển cho rằng, nhiều thành phố Việt Nam hiện nay có nghịch lý đất tăng giá, nhưng chính quyền thiếu ngân sách hạ tầng - an sinh, rồi thu thuế phí của mọi người (dù có đất hay không, giàu hay nghèo...) dẫn tới vừa thiếu tiền vừa thiếu công bằng, còn người nhiều nhà đất thì "sống khoẻ".
Việc đánh thuế bất động sản còn mang tính chất điều tiết an sinh xã hội. Bởi lẽ, thuế là để điều tiết một cách hợp lý giữa người giầu (có tài sản sinh lợi nhiều) để có nguồn lo an sinh xã hội cho người gặp khó khăn, người già yếu...
Một lý do khác mà ông Hiển đưa ra đó là ngành sản xuất kinh doanh luôn được khuyến khích phát triển vì tạo nhiều công ăn việc làm, tạo sản phẩm hàng hóa cho nhu cầu, tạo giá trị gia tăng…
Các ngành đầu tư và bất động sản là ngành hỗ trợ, được khuyến khích kế tiếp theo cách phải hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Nếu thuế đầu cơ, đầu tư (sở hữu) bất động sản thấp so với các thuế đầu tư vào sản xuất kinh doanh như hiện nay, thì dần dần những người đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ chuyển qua đầu tư bất động sản và những người có bất động sản lớn cứ tiếp tục sở hữu tiếp và sở hữu mọi nguồn vốn (người lực) kinh tế quốc gia.
Thực chứng 20 năm qua, do không có thuế bất động sản tương xứng thu định kỳ hàng năm, nên các nhà đầu tư cá nhân không cần "tìm kiếm người tài", tự mình có thể làm trùm; và các tài năng trong sản xuất kinh doanh sau thời gian cũng quay về làm đất và làm đất rất lớn...
Thực chứng tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, EU, Nhật..., nhờ thu thuế bất động sản định kỳ đều có giá bất động sản ổn định và không thể tạo ra những giàu vượt trội hơn các người giỏi đầu tư sản xuất kinh doanh.
"Các quy định thu thuế như thế nào hợp lý còn nhiều tranh luận, nhưng nó không phải là lý do để không thua thuế. Người chưa có nhà, người nghèo không phải lo thuế này, vì chắc chắn khi triển khai, sẽ không thu thuế căn nhà thứ nhất có diện tích hợp lý để ở", ông Hiển nhấn mạnh thêm.
Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thế giới thuế nhà ở đã xuất hiện nhiều nước nhưng Việt Nam chưa có. Theo ông Ánh, việc hoàn thiện chính sách thuế đối với các tài sản có giá trị là cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
#/chuyen-gia-dia-oc-noi-gi-ve-danh-thue-tai-san-20220308114622708.chn