Chung cư tăng giá phi mã đe dọa đến vị trí thứ 3 thế giới về tỷ lệ sở hữu nhà của Việt Nam

Việt Nam đứng thứ 3 trong top 10 nước có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới, với tỷ lệ 90% hộ gia đình sở hữu nhà riêng, chỉ đứng sau Rumani và Trung Quốc. Tuy nhiên, giá chung cư ngày càng tăng cao đang tạo ra thách thức lớn về khả năng mua nhà tại Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn bất động sản Garrett có trụ sở ở Kentucky, Mỹ đã đưa ra danh sách các quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới. Trong top 10 quốc gia, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 theo danh sách này.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở Việt Nam ở mức cao phần nhiều xuất phát từ tập quán "an cư lạc nghiệp" của người Việt. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây việc giá nhà liên tục tăng khiến việc sở hữu nhà ở đối với nhiều người sống ở thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội ngày càng khó khăn.

Theo cáo của Savills Việt Nam, chỉ trong 4 năm gần đây, giá chung cư cũng tăng tới 77%. Riêng trong quý 3/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư đã đạt 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý 1/2019.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu của Savills Hà Nội cho biết Hà Nội đang phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 150 triệu/người/năm. Xét về tương quan so với 2019, mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6%/năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá căn hộ chung cư từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13%/năm.

Như vậy, sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đang ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng giá căn hộ. Việc sở hữu nhà của người dân sẽ lâu hơn nếu khoảng cách này tiếp tục được nới rộng.

"Nếu hai con số này không tịnh tiến lại gần nhau thì sẽ khiến cho việc sở hữu nhà ở của người dân nói chung, những người đang sống ở Hà Nội và những người dân ngoại tỉnh muốn có nhà ở Hà Nội sẽ lâu và khó khăn hơn”, bà Hằng nói.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, giá chung cư giai đoạn cuối năm 2023 vẫn đang neo ở mức rất cao và là quý thứ 19 giá bán chung cư sơ cấp tăng liên tiếp.

Như tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2, tăng gần 7% theo quý (khoảng 3,6 triệu đồng/m2), 14% theo năm (khoảng 7 triệu đồng/m2). Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% (khoảng 800.000 đồng/m2) theo quý và 0,8% (250.000 đồng/m2) theo năm.

Tương tự, tại TP HCM, giá bán thứ cấp quý 3 đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Mức tăng chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Còn giá bán sơ cấp căn hộ chung cư đã đạt hơn 60 triệu đồng/m2.

Các chuyên gia nhận định, phân khúc căn hộ chung cư sẽ được quan tâm nhiều hơn khiến giá bán sẽ tiếp tục còn tăng cao vì nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu ở thật tăng không ngừng. Cùng với đó, sự khan hiếm về đất đai và đô thị hoá ngày càng tăng khiến giá nhà ở (cả chung cư và đất nền) vẫn tiếp tục có xu hướng neo cao.

Sở hữu nhà ở vẫn luôn là mục tiêu quan trọng, ăn sâu vào trong tiềm thức "an cư lạc nghiệp" của nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi tốc độ tăng giá của căn hộ chung cư ngày càng "dựng đứng" trong khi nhu cầu ở thật gia tăng, nguồn cung eo hẹp và mức thu nhập của người dân hạn chế dẫn đến khả năng sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM ngày càng khó đối với người dân. Đây tiếp tục là nỗi khó khăn, thách thức lớn đối với người có thu nhập trung bình, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, gia đình từ vùng nông thôn về thành phố.