Chục nghìn dân đô thị Thanh Hà vẫn 'khát'

Hàng trăm cư dân khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) tiếp tục xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc. Khủng hoảng nước ở khu đô thị Thanh Hà, nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng.
Chục nghìn dân đô thị Thanh Hà vẫn 'khát' - Ảnh 1.

Từ ngày 15/10 đến nay, cảnh hàng trăm người dân mỗi tối mang theo xô, chậu xuống sảnh để xin nước sạch đã trở nên quen thuộc. Việc thiếu nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến sinh họat của cư dân mà còn khiến nhiều cơ sở kinh doanh tại đây tạm thời ngừng hoạt động do chi phí mua nước đóng bình, chai tăng mạnh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện cư dân khu đô thị (KĐT) Thanh Hà cho biết, dù Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, Sở Xây dựng Hà Nội có nhiều văn bản yêu cầu cấp đủ nước cho người dân, nhưng đến ngày 22/10, các tòa HH02-1A, HH02-1B, HH01C, HH02-2C... vẫn không có nước sinh hoạt. Ông Phan Minh Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, nói: “Tòa nhà tôi chỉ được cấp nước khoảng 1 giờ mỗi ngày là quá ít so với nhu cầu. Trong ngày hôm nay còn chưa được bơm giọt nào vào bể chứa nước”.

Có thể khởi kiện ra tòa

Chiều tối 21/10, UBND huyện Thanh Oai tổ chức họp với các đơn vị liên quan để xử lý các vấn đề liên quan việc cư dân Thanh Hà thiếu nước sạch. Ông Đoàn Viết Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai, cho biết, vấn đề nước sạch tại KĐT Thanh Hà được các cấp chính quyền quan tâm. Chính quyền đã vào cuộc tháo gỡ, giải quyết bức xúc chính đáng của cư dân.

Ông Tuấn cho rằng, cư dân có thể khởi kiện ra toà để giải quyết. Ông nhấn mạnh, đây là vấn đề dân sự nhưng khi trở thành vấn đề nổi cộm buộc cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc và trong quá trình giám sát, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị thanh tra, kiểm tra, thậm chí chuyển cơ quan điều tra nếu có vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, đề nghị Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà công khai kế hoạch cấp nước sạch cho cư dân và công ty phải phối hợp UBND xã Cự Khê, đoàn giám sát thực hiện niêm phong hệ thống sản xuất khai thác nước ngầm (hiện bị dừng sản xuất).

Ngày 22/10, Văn phòng UBND TP Hà Nội thông tin về công tác chỉ đạo điều tiết nước cấp cho KĐT Thanh Hà. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và UBND thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, tổ chức chỉ đạo các đơn vị điều phối cấp nước ngay cho KĐT Thanh Hà.

Đến nay, Sở Xây dựng đã chủ trì tổ chức 4 cuộc họp, ban hành 6 văn bản chỉ đạo đôn đốc các đơn vị phối hợp thực hiện các giải pháp cấp nước cho KĐT Thanh Hà.

Việc điều tiết nguồn cấp về bổ sung cho KĐT Thanh Hà đã được nâng lên 3.143 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu khoảng 3.200-3.500m3/ngày đêm.

KĐT Thanh Hà nằm cuối nguồn của hệ thống nước mặt sông Đuống, với đường ống truyền tải từ nhà máy về KĐT Thanh Hà là hơn 40km. Về lâu dài, KĐT Thanh Hà với nhu cầu sử dụng nước khoảng 27.500m3/ngày đêm sẽ được cấp nước từ nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II với công suất lên 600.000m3/ngày đêm và nhà máy nước mặt Xuân Mai công suất 300.000m3/ngày đêm.

Tại cuộc họp với cư dân, Phòng y tế huyện Thanh Oai thông tin tới cư dân KĐT Thanh Hà kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch được lấy vào ngày 12/10. Cơ quan y tế cho biết, mẫu nước này có nhiễm vi khuẩn E.coli. Từ kết quả trên, Phòng y tế huyện Thanh Oai khuyến cáo cư dân tạm thời không sử dụng nước sạch lấy trực tiếp từ vòi trong KĐT Thanh Hà để ăn uống, bởi vi khuẩn E.coli được biết đến là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy.

UBND TP Hà Nội nhận định, các nguồn bổ sung như trên vẫn chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu, do đó Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để điều tiết tối đa nguồn cấp cho KĐT Thanh Hà.

Hà Nội đã cho phép Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống bổ sung đoạn tuyến D700 trên địa bàn quận Hoàng Mai để bổ sung khối lượng và tăng áp lực cho khu vực cuối nguồn (các huyện phía Nam thành phố). Yêu cầu Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà xây dựng giải pháp khắc phục đảm bảo cấp nước ổn định cho người dân, trong đó xác định rõ tổng nhu cầu sử dụng nước, sản lượng tự khai thác từ trạm cấp nước ngầm, sản lượng cần bổ sung từ hệ thống cấp nước tập trung; thời gian cần hỗ trợ; điều tiết nguồn cấp trong khu vực dự án; khẩn trương cải tạo Trạm cấp nước cục bộ trong Khu đô thị Thanh Hà đảm bảo công suất đã được chấp thuận với chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Hà Nội chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng trạm cấp nước tại KĐT Thanh Hà và xử lý vi phạm nếu có.