Sáng 22/4, tại Phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị, công phu dự án luật; báo cáo thẩm tra sơ bộ đề cập nhiều vấn đề tạo cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Ông Vương Đình Huệ bày tỏ thống nhất với cách tiếp cận của dự án luật này khi kế thừa Luật Quy hoạch đô thị 2009 và phần quy hoạch nông thôn trong Luật Xây dựng 2014 đưa vào; cụ thể hoá một số nội dung của Luật Quy hoạch.
Cùng với đó bổ sung một số vấn đề mới đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nông thôn thời gian tới; tháo gỡ vướng mắc khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các luật; đảm bảo đồng bộ và thống nhất pháp luật về quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, cụ thể hoá hơn một số quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu.
Thứ nhất là mối quan hệ giữa đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. “Tôi từng nói, trong thực tế một số đơn vị cấp huyện chưa hoàn thành nông thôn mới thì khi quy hoạch lên quận còn dễ hơn anh đã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, vì liên quan đến các tiêu chí. Do đó nếu xã nào đó lên phường, huyện nào đó khả năng lên quận thì nguyên tắc, tiêu chí định hướng quy hoạch thế nào cần rà soát, luật nên có một vài điểm làm nguyên tắc cho triển khai sau này” – ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Thứ hai là mối quan quan hệ giữa đô thị hoá và phát triển kinh tế đô thị. Theo ông, nếu chỉ nói đô thị mà không nói kinh tế đô thị thì rất khó cho quản lý, phát triển đô thị bền vững. Do đó cần phân định rõ phần nào nằm trong luật này, phần nào trong dự án Luật quản lý phát triển đô thị (đang được nghiên cứu xây dựng) thì cần rà soát làm rõ hơn.
Một vấn đề nữa rất quan trọng, theo Chủ tịch Quốc hội là quy hoạch phải thích ứng biến đổi khí hậu, nên cần rà soát, nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng, để tính toán cân bằng giữa phát triển đô thị theo chiều rộng và đô thị nén theo mô hình TOD (là nơi có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên – PV).
Liên quan đến chiều cao công trình, ông cho biết từng tranh luận nhiều lần mà không rõ. “Khi làm việc với Bộ Xây dựng mới biết do vấn đề an ninh an toàn bay, chứ không ai cấm xây nhà cao tầng trong nội đô cả. Vấn đề là xử lý mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình thế nào. Trong thực tế Bộ Xây dựng không quy định chiều cao này nên đô thị khó trong cải tạo chung cư cũ” – ông Vương Đình Huệ nói.
Hay về phạm vi quy hoạch, ví dụ quận Hoàn Kiếm với phạm vi quy hoạch chỉ 5km2 nên theo tiêu chí dân số phải “rút ra” rất nhiều dân, nhưng sau đó thay đổi tư duy, lấy cả 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) thành tổng thể quy hoạch để cân đối thì mới giải quyết được bài toán dân số và hạ tầng.
“Vậy phải chăng tiêu chuẩn, tiêu chí mật độ dân số, chiều cao công trình nên để cho tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể chứ không nên quy định cứng nhắc. Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore toàn nhà cao ốc chọc trời” – ông Vương Đình Huệ nói.
Một vướng mắc trong thực tiễn nữa mà theo Chủ tịch Quốc hội nếu đưa vào điều chỉnh trong luật này sẽ giải quyết được rất nhiều việc là về khảo sát thực tế để thực hiện quy hoạch.
“Nguyên tắc quy hoạch là phải đi khảo sát thực tế, nhưng đôi khi không đủ điều kiện làm đến nơi đến chốn. Có vùng dân ở rất lâu rồi nhưng khảo sát không kỹ, khi quy hoạch lại “bôi” vào đó là “vùng xanh”, nhưng bây giờ không ai đứng ra để sửa. Quy hoạch thế là không phù hợp thực tế. Nên chăng phải xem xét điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp như thế thì phải cho phép để đúng với hiện trạng thực tế” – ông Vương Đình Huệ nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật vì luật này liên quan đến nhiều luật; thống nhất một số thuật ngữ cũng như nghiên cứu kỹ hơn về quy định chuyển tiếp.