Chủ tịch Fecon chia sẻ lý do tăng tốc đầu tư sang khu công nghiệp

FECON, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng tại Việt Nam, đang mở rộng hoạt động sang đầu tư khu công nghiệp. Trong bối cảnh thị trường khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch FECON – ông Phạm Việt Khoa để hiểu rõ hơn về chiến lược này.
Chủ tịch Fecon chia sẻ lý do tăng tốc đầu tư sang khu công nghiệp

FECON vốn được biết đến là một nhà thầu thi công hạ tầng hàng đầu. Vì sao công ty quyết định đẩy mạnh đầu tư vào khu công nghiệp, thưa ông?

FECON luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững với hai trụ cột chính: thi công xây dựng và đầu tư dự án. Việc tham gia vào lĩnh vực khu công nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và lợi thế của chính FECON.

Năm 2024, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt mức cao, với hơn 38 tỷ USD, trong đó hơn 20 tỷ USD đã được giải ngân. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cũng rất cao, đạt khoảng 80% ở miền Bắc và 90% ở miền Nam. Đồng thời, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới sang Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hạ tầng.

Với kinh nghiệm lâu năm trong thi công các dự án lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và năng lượng, FECON có nền tảng vững chắc để phát triển khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khó tính nhất.

Việc FECON đầu tư vào khu công nghiệp là sự điều chỉnh ngắn hạn theo biến động thị trường hay một chiến lược dài hạn?

Đây là một chiến lược dài hạn của FECON. Chúng tôi xác định khu công nghiệp và khu đô thị vệ tinh là mảng đầu tư quan trọng trong định hướng phát triển và tận dụng thế mạnh sẵn có để tạo lợi thế cạnh tranh. Là một nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trong thi công hạ tầng trọng điểm, hạ tầng đô thị, FECON có năng lực triển khai vượt trội, kiểm soát chất lượng và tối ưu chi phí.

Chúng tôi đã tham gia nhiều dự án lớn như đường sắt đô thị, năng lượng, giao thông và công trình ngầm, giúp tích lũy kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ về hạ tầng, đặc biệt là các KCN theo hướng sinh thái bền vững trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, tối ưu hóa năng lượng bằng hệ thống điện mặt trời và phát triển các tiện ích hỗ trợ người lao động. Điều này không chỉ nâng cao giá trị dự án mà còn thu hút doanh nghiệp có tiêu chuẩn cao về môi trường và chất lượng sản xuất.

 Ông có thể chia sẻ về dự án đầu tiên của FECON trong lĩnh vực khu công nghiệp được triển khai như thế nào?

Chúng tôi đang triển khai một cụm công nghiệp 75 ha và khu công nghiệp 256 ha tại Bắc Giang. Tỉnh này hiện đang là một trong các thủ phủ công nghiệp mới của miền Bắc với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, cùng làn sóng dịch chuyển sản xuất.

Cả 2 dự án của chúng tôi đều sở hữu vị trí thuận lợi, gần các tuyến đường trọng điểm như Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Sông Cầu.. giúp kết nối hiệu quả với chuỗi cung ứng và các đầu mối giao thông quan trọng. Nhờ đó, trong quá trình phát triển dự án, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều đối tác tiềm năng, bao gồm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Châu Âu, Singapore và Trung Quốc. FECON hướng tới việc xây dựng một khu công nghiệp đồng bộ theo hệ sinh thái từng ngành, đáp ứng nhu cầu về kết nối thuận tiện chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong cùng khu hoặc trên các địa bàn lân cận.

Tại dự án này, chúng tôi cũng kết hợp các đối tác hàng đầu về đầu tư và vận hành hạ tầng điện - nước – xử lý chất thải để tối ưu hóa vận hành và cung cấp tiện ích tốt nhất cho khách hàng.

Hiện nay, xu hướng phát triển hạ tầng giao thông đang rất mạnh, đặc biệt là các dự án đường sắt tốc độ cao và Metro. FECON có chiến lược gì để tận dụng các cơ hội này, thưa ông?

FECON vẫn tiếp tục tập trung vào các dự án thi công lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, đường sắt Quốc gia và công trình năng lượng. Đồng thời, chúng tôi cũng luôn quan tâm phát triển các dự án đầu tư khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp bên cạnh các dự án giao thông trọng điểm, có khả năng kết nối mạnh.

Ví dụ như dự án khu công nghiệp tại Bắc Giang nằm gần các tuyến giao thông quan trọng như Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Đây cũng là cách chúng tôi lựa chọn vị trí đắc địa theo định hướng giao thông. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị vệ tinh gần các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao trong tương lai, để tối ưu kết nối và logistics.

Kế hoạch dài hạn của FECON trong lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị là gì?

Chúng tôi hướng tới việc mở rộng danh mục đầu tư tại các khu vực có lợi thế về hạ tầng và kinh tế. Sau Bắc Giang, FECON dự kiến triển khai thêm các dự án Khu đô thị và khu công nghiệp tại Hưng Yên, Đồng Nai và một số địa phương khác trong vòng 3-5 năm tới.

Một trong các dự án khu đô thị điển hình đang triển khai rất thành công là Dự án Square city tại Phổ Yên, Thái Nguyên, nằm gần khu công nghiệp Yên Bình và cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Đây là mô hình gắn kết dựa trên thế mạnh sẵn có, phát triển các khu đô thị hiện đại nằm trong lòng của thành phố công nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái gắn kết, phát triển bền vững.

FECON có chiến lược gì để cạnh tranh trong lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp và khu đô thị, thưa ông?

Chúng tôi không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và sự bền vững. Các khu công nghiệp do FECON phát triển sẽ ưu tiên hướng đến các ngành sản xuất có giá trị cao, sử dụng công nghệ xanh, ít lao động phổ thông nhưng tạo ra nhiều giá trị kinh tế. Các khu đô thị chúng tôi đã và đang phát triển theo hướng sinh thái, đáng sống trên nguyên tắc tôn trọng các giá trị truyền thống tại địa phương.

Ông có thể chia sẻ thêm những thách thức lớn nhất mà FECON gặp phải khi mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp?

Khó khăn chung là cơ chế chưa thông thoáng, đặc biệt ở khâu phê duyệt dự án, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chi phí.

Bên cạnh đó, từ lúc xin chủ trương đến khi đủ pháp lý mất khá nhiều thời gian. Nếu thủ tục rút ngắn một nửa, tổng thời gian giảm 1/2 sẽ giúp giảm chi phí vốn, tăng doanh thu và tăng cơ hội thị trường, doanh nghiệp từ đó sẽ đóng góp tốt hơn cho ngân sách nhà nước

Chúng tôi rất kỳ vọng vào Chủ trương đưa dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới của Đảng và các động thái rất tích cực, hành động rất cụ thể quyết liệt của Chính phủ trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ các chủ trương lớn này.

Xin cảm ơn ông!