Chủ tịch CEO Group đề xuất cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai để phát triên thị trường địa ốc

Đó là một trong những kiến nghị của Chủ tịch CEO Group, LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong Tham luận chuyên đề “Những tham khảo quốc tế để phát triển ngành bất động sản và du lịch Việt Nam” tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần 1.
Chủ tịch CEO Group đề xuất cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai để phát triên thị trường địa ốc - Ảnh 1.

Cụ thể, Chủ tịch CEO Group đề xuất 8 giải pháp để hồi phục và phát triển thị trường.

Thứ nhất, về thể chế, chúng ta cần khai thác tối ưu các sân chơi quốc tế. Với xu hướng ký nhiều hơn các hợp tác FDI thì điều này là rất cần thiết. Để thu hút tốt hơn khách du lịch đến với Việt Nam nói riêng và các nước Asean nói chung thì có thể cho phép khách du lịch đi một nước được dễ dàng di chuyển các nước khác cùng khu vực.

Thứ hai, kiến nghị cho phép người nước ngoài được sở hữu đất đai tại Việt Nam.

Thứ ba, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các nước trên thế giới, nước nào cũng có các cơ chế phát triển đặc khu kinh tế. Thậm chí có những đặc khu kinh tế rất hấp dẫn mà các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển. Vì vậy, nếu có thể, chúng ta cũng nên xem xét một vài khu kinh tế ven biển để phát triển thành đặc khu kinh tế.

Thứ tư, theo quan sát hạ tầng trên thế giới, các sân bay không chỉ là nơi đi lại mà ở đó còn là nơi mua sắm, vui chơi, giải trí. Và quan trọng nhất là trở thành điểm đến của khu vực. Do đó, nếu sân bay Long Thành sắp tới làm được điều này sẽ rất tốt để thu hút thêm khách du lịch, nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển tàu cao tốc chỉ 200km/h theo tôi là đang hơi lạc hậu, vì nhiều nước trên thế giới, và gần ta nhất là Trung Quốc đã xem xét có những tàu siêu tốc có tốc độ 1.000km/h

Tiếp đến là dân số và nguồn nhân lực. Nhiều nước trên thế giới có nhiều việc nhưng lại thiếu người làm, có người thì lại không thích làm. Vì vậy, chúng ta cần duy trì tỷ lệ sinh trên 2 con để đảm bảo nguồn lực.

Thứ năm, về nhà ở xã hội, chúng tôi có sang Brunei, Singapore, New Zealand để nghiên cứu học tập. Mô hình nhà ở HDB của Singapore chúng ta đã nghe nhiều.

Mô hình của New Zealand cũng rất hay, nhà ở xã hội ở New Zealand có 2 bên cung cấp. Bên thứ nhất là nhà nước xây nhà ở xã hội để cho thuê và cũng tạo điều kiện cho tổ chức tư nhân tham gia. Trên thị trường, nhà nước cung cấp khoảng 65% nhà ở xã hội, 35% còn lại là của 61 nhà phát triển tư nhân. Nhà ở xã hội của nhà phát triển tư nhân có giá cho thuê bằng 80% giá thị trường, nhà nước bù 20% tiền thuê cho doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy thì nhà nước vẫn điều hành, tạo ra một thị trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường, quan trọng là tạo ra một sân chơi bình quyền cho nhà ở xã hội, vị trí nhà có thể là ở bất kỳ đâu, các phân khúc nhà ở xã hội cũng rất đa dạng từ trung cấp đến cao cấ

Thông qua các mô hình nhà ở xã hội cho thấy điểm chung là Chính phủ tham gia trực diện hơn, vận hành bằng cơ chế thị trường, không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ, đa dạng địa điểm.

Thứ sáu là chuyển đổi số, chúng ta có thể học tập mô hình của Singapore là mô hình thành phố nhà nước rất thông minh, số hóa vận hành giao thông và thủ tục hành chính.

Thứ bảy, về dữ liệu bất động sản cũng rất quan trọng, như mô hình ở Mỹ, các dữ liệu nhà ở hàng trăm năm qua vẫn đang sử dụng rất tốt.

Thứ tám, về xu hướng ngôi nhà thứ hai, hiện nay Malaysia, Indonesia, Campuchia cũng đang làm rất tốt, rất mong cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để thu hút thêm nguồn lực đầu tư”.