Những ngành được cho là khó khăn trong dịch Covid-19 có hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn), một số ngành sản xuất như dệt may, da giày, đồ gỗ. Với dịch vụ lưu trú, không chỉ bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều dịch vụ lưu trú phổ biến như cho thuê căn hộ, homestay, Airbnb... cũng không khỏi bị tác động. Câu chuyện dưới đây ghi lại lời kể từ một nhân vật 35 tuổi tại TP HCM, có 7 năm làm truyền thông, 3 năm làm freelancer đang kinh doanh dịch vụ Airbnb:
Khi dịch bệnh bắt đầu bùng lên như một quả bom tại Trung Quốc, tôi đáp chuyến bay từ Bangkok về TP HCM. Lúc đó, một vài người bạn lo lắng hỏi thăm về tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng gì tới kinh doanh hay không. Tôi vẫn nghĩ tình hình không quá nghiêm trọng và vẫn chưa có dấu hiệu ảnh hưởng gì. Thế nhưng, chỉ khoảng gần 2 tháng sau, thị trường thay đổi chóng mặt. Tôi chính thức rơi vào cuộc khủng hoảng của chính mình.
Khoảng một năm trước, nhận thấy thị trường Airbnb khá hấp dẫn và mới mẻ, thuận tiện cho khách du lịch, tôi bắt đầu tìm thuê căn hộ cao cấp tại 2 thị trường chính là Việt Nam và Thái Lan. Chi phí ban đầu khoảng 2 tỷ đồng cho 20 căn, bao gồm tiền thuê nhà; tiền trang trí, thiết kế lại; đặt cọc 2 tháng tiền nhà…
Sau hơn một năm cố gắng, tỷ lệ lấp đầy dần đạt khoảng 70%, khách thuê và bắt đầu đi vào ổn định. Doanh thu trung bình hàng tháng cho tất cả 20 căn hộ khoảng 1 tỷ đồng. Tôi có lãi. Tiền lãi cao hơn nhiều lần so với việc làm văn phòng trước đây. Tôi cảm thấy hài lòng và tiếp tục nuôi kế hoạch mở rộng thêm ở vài thị trường mới.
Thời điểm khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiện lan ra toàn cầu, tôi có chút lo lắng nhưng thấy mọi thứ vẫn ổn định. Cả Việt Nam và Thái Lan bắt đầu có những động thái kiểm soát chặt hơn đối với du khách nhập cảnh, tuy nhiên tỉ lệ khách thuê căn hộ vẫn không có nhiều xáo trộn. Bởi lúc này dịch bệnh chưa lan rộng, du khách phần lớn đều được nhập cảnh dễ dàng.
Bên cạnh đó, đối với nhiều du khách ở các quốc gia tâm dịch như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đi du lịch trước đó sẽ có xu hướng ở lại thêm để “tránh bão”. Vì vậy, lượng khách thay vì ngắn ngày, họ đổi sang dài ngày hơn. Thời điểm này, nhiều ngày chúng tôi vẫn bận rộn thức trắng đêm để tiếp và hướng dẫn khách. Doanh thu trong thời gian đầu diễn ra dịch bệnh, vì thế không có nhiều ảnh hưởng.
Cuộc sống của đảo lộn từ tháng 3 khi giá phòng rớt thảm và không có nổi một khách đặt phòng. Ảnh: NVCC.
Mọi thứ chỉ đột ngột thay đổi từ tháng 3. Khách bắt đầu hủy đặt phòng hàng loạt, có những ngày, 15 - 20 lượt hủy phòng. Nhiều khách quen đặt phòng cả tháng trời giờ đua nhau báo hủy do dịch bệnh nghiêm trọng hơn, chính sách nhập cảnh với khách du lịch ở Thái Lan liên tục thay đổi, Việt Nam bắt đầu triển khai khai báo y tế bắt buộc. Lúc này, công việc làm ăn bỗng chốc xoay chiều, đảo lộn 180 độ.
Để đối phó với khó khăn cũng như áp lực bắt đầu ập tới, tôi liên tục chỉnh giá phòng cho thuê, điều ít khi xảy ra trước đây với các căn hộ của mình. Có thời điểm, giá đã giảm tới 60 - 70% để thu hút khách nhưng phòng trống vẫn không ngừng tăng lên. Lúc này, cả Việt Nam và Bangkok vẫn chưa “đóng của” với khách du lịch, cộng với lượng khách ít ỏi vẫn bị kẹt lại nên tôi vẫn vớt vát được chút đỉnh.
Cho tới cuối tháng 3, lượng khách bắt đầu thưa thớt và giảm dần về tỷ lệ 0%. Lúc này, 20 phòng của tôi không có nổi một khách. Nhưng đây vẫn chưa phải điểm cuối cùng của "cơn ác mộng".
Khó khăn chồng chất khó khăn khi tháng mới bắt đầu chu kỳ trả tiền thuê nhà hàng loạt. Mỗi căn hộ, tôi thuê khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng. Tính ra, số tiền phải trả lên tới 500 - 600 triệu đồng. Khi không thu nổi một xu từ khách thuê, tôi lấy đâu ra chừng đó tiền? Cơn đau đầu tính toán lại ập tới.
Tôi bắt đầu tiếp tục đàm phán, thương lượng với từng chủ nhà. Một số chủ nhà dễ tính, họ hỗ trợ giảm giá thuê 10 - 30%. Một số ít đồng ý cho trừ trước tiền thuê vào tiền cọc ban đầu. Nhưng đa phần là giữ giá, hoặc không hỗ trợ, hoặc… im lặng. Tình hình khó khăn chung, với nhiều chủ nhà mua nhà trả góp, nguồn thu chủ yếu từ tiền cho thuê căn hộ cũng đẩy họ vào thế không thể làm khác được.
Bước đầu, tôi tự xác định mất khoảng 4 đến 6 căn hộ không thể lấy được tiền cọc, vì tôi đã không thể trả tiền thuê đúng hạn. Số tiền này vào khoảng 300 triệu đồng. Tôi vẫn ngày đêm lựa cơ hội để đàm phán với các chủ nhà, có thể cho trừ vào tiền cọc, giảm tiền thuê nhà hoặc tạm thời đóng băng hợp đồng. Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng.
Giữa việc cắn răng chịu lỗ và trả lại nhà, hoặc tiếp tục kinh doanh và trông chờ vào cơn đại dịch đi qua, thị trường phục hồi để tiếp tục kinh doanh dù lỗ, tôi chưa thể quyết định.
Mắc kẹt trong nhiều thứ, bỏ thì khó mà duy trì thì không biết khi nào mọi thứ sáng sủa hơn, nhiều đêm tôi thức trắng. Có lẽ, tôi sẽ tự đặt cho mình một giới hạn, như 3 tháng chẳng hạn. Nếu không thể vượt qua khoảng thời gian này, tôi rất có thể sẽ dừng lại với một khoản lỗ lớn, tìm cho mình một hướng đi khác hoặc làm lại mọi thứ từ đầu với con số 0.