Đầu tư bài bản
Tham dự lễ ký kết có Thiếu Tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam; cùng lãnh đạo các cấp của Binh chủng Thông tin liên lạc, Tập đoàn FLC và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương.
Theo thoả thuận được ký kết, Tập đoàn FLC sẽ chính thức trở thành nhà tài trợ cho CLB bóng chuyền nữ của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, góp phần thúc đẩy hoạt động của CLB phát triển mạnh trong nước và vươn tầm khu vực. Kết hợp với việc hợp tác trong lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ thế mạnh của mỗi bên, FLC và Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc cũng xúc tiến hỗ trợ lẫn nhau trong việc quảng bá, củng cố và mở rộng hoạt động, phát triển trong phạm vi toàn quốc.
Cũng trong lễ ký kết, CLB bóng chuyền nữ Thông tin – FLC đã chính thức ra mắt. Đây là đội bóng giàu thành tích nhất của Giải vô địch bóng chuyền quốc gia Việt Nam, khi có bảng thành tích vô địch cao hơn tất cả các đội bóng chuyền nam và nữ khác. Từ mùa giải chuyên nghiệp 2004 đến nay do liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tổ chức với 17 lần, thì CLB đã vô địch 11 lần và 5 lần giành Á quân.
Bày tỏ sự vui mừng trước thoả thuận hợp tác được ký kết, Đại tá Lê Dũng, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc cho biết xu thế hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho nền thể thao nói chung và lĩnh vực bóng chuyền nói riêng.
Các CLB cần đẩy mạnh xã hội hoá, đầu tư mạnh mẽ để thu hút nguồn nhân lực cao, tăng tính cạnh tranh quyết liệt trong từng giải đấu. Trong bối cảnh này, sự hợp tác với Tập đoàn FLC được kỳ vọng sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy hoạt động của CLB theo hướng đáp ứng xu hướng chuyên nghiệp hoá trong lĩnh vực thể thao thành tích cao và hội nhập quốc tế, ông Dũng cho biết.
Phát biểu tại sự kiện, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC bày tỏ mong muốn sự đầu tư bài bản của Tập đoàn FLC sẽ trở thành động lực để CLB bóng chuyền nữ Thông tin – FLC có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, đạt nhiều thành tích cao hơn tại các giải đấu chuyên nghiệp ở tầm khu vực và vươn ra thế giới.
"Thỏa thuận được ký kết ngày hôm nay sẽ là bước khởi đầu mở ra nhiều cơ hội hợp tác gắn bó chặt chẽ và sâu rộng giữa Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc và Tập đoàn FLC. Từ đó phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên trong phát triển phong trào thể dục thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền thể thao nước nhà", bà Dung nhận định.
Bên cạnh các điều khoản hợp tác trong hợp đồng, theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, với vai trò là nhà tài trợ, FLC sẽ tạo điều kiện tối đa với những "chính sách ngoài chính sách" để thành viên CLB có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mà hệ sinh thái FLC đang sở hữu, như di chuyển bằng hàng không hoặc tập luyện, nghỉ ngơi tại các quần thể nghỉ dưỡng quy mô của FLC trên toàn quốc….
Định hướng chiến lược
Gần hai thập kỷ phát triển, Tập đoàn FLC luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nền thể dục thể thao, với nhiều hoạt động đồng hành thiết thực như hỗ trợ phát triển câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền chuyên nghiệp cũng như tài trợ nhiều giải đấu quy mô, uy tín của quốc gia.
Đáng chú ý, đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc cũng đã chính thức ra mắt đầu tháng 2 vừa qua, và được hãng hàng không trong hệ sinh thái của FLC đảm bảo toàn bộ nguồn kinh phí hoạt động. Đội đã có chiến thắng trước đội bóng chuyền nữ Vietinbank ngay trong trận đầu tiên ra mắt người hâm mộ, sau khi có nhà tài trợ mới.
Ra mắt Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Thông tin - FLC
Như vậy, sau Bamboo Airways Vĩnh Phúc, CLB bóng chuyền nữ Thông tin – FLC sẽ trở thành đội bóng chuyền tiếp theo được FLC đầu tư, tài trợ toàn bộ nguồn kinh phí.
Là bộ môn được quan tâm hâm mộ hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, bóng chuyền Việt Nam được đánh giá có chất lượng cầu thủ ở cả đội nam và nữ đều thuộc nhóm hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Song, sự cạnh tranh trong làng bóng chuyền khu vực những năm gần đây trở nên quyết liệt hơn, khi các nước đều đầu tư mạnh mẽ để hướng đến ngôi vô địch SEA Games và vươn ra đấu trường châu lục.
Để thực hiện được mục tiêu này, bóng chuyền Việt Nam phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Có như vậy, bóng chuyền trong nước mới có thể phát triển bền vững và chinh phục những tầm cao mới.
Trong bối cảnh này, sự gia nhập của những doanh nghiệp có định hướng đầu tư lâu dài với thể thao như FLC được đánh giá là sự bổ sung nguồn lực quan trọng và cần thiết để nâng tầm vị thế cho lĩnh vực bóng chuyền nói riêng và nền thể thao Việt Nam nói chung.