Chỉ muốn “lướt sóng” nhưng mắc kẹt, nhà đầu tư nên làm gì?

Những nhà đầu tư có ý định bán tài sản ra trong vòng 6 tháng đến 1 năm, hiện đang “mắc kẹt” vì bán không ai mua. “Gồng” là trạng thái của khá nhiều nhà đầu tư ở thời điểm này. Tuy nhiên, gồng đến khi nào, bản thân nhà đầu tư cũng không rõ.

Một chuyên gia trong ngành chia sẻ, hiện nay tâm lý của nhà đầu tư BĐS đang ở 3 trạng thái khác nhau. Thứ nhất, với nhà đầu tư chưa mua BĐS thì ở tình trạng quan sát, nghe ngóng và chưa chịu “xuống tiền”. Với những nhà đầu tư lâu năm, đang “dở dang” việc vay ngân hàng khi mua dự án theo tiến độ thì “sốt ruột”, không rõ có được vay mua tiếp hay không và mức lãi suất như thế nào. Với nhà đầu tư “lướt sóng” thì mắc kẹt do không bán được hàng. Những nhà đầu này thường hạn hẹp dòng tiền và muốn đẩy hàng theo kì vọng thời gian đặt ra. Tuy nhiên, thị trường gặp khó, khiến họ vừa gồng sản phẩm, vừa mòn mỏi chờ đợi thị trường, mà ngay cả họ cũng không thể biết “gồng” đến khi nào.

Ghi nhận cho thấy, sau khoảng thời gian biến động, lượng nhà đầu tư cần bán gấp sản phẩm để thu dòng tiền có dấu hiệu tăng lên trên thị trường BĐS. Tại tỉnh lân cận Tp.HCM, một số khu vực đã có dấu hiệu giảm giá (hoặc giảm kì vọng lợi nhuận) so với thời điểm tháng 4/2022.

Đây cũng là thị trường xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư BĐS “lướt sóng” trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, do thị trường khó khăn, thanh khoản chậm đã khiến họ không thể ra hàng. Thậm chí, bán dưới giá vốn cũng không có giao dịch. Tiếp tục gồng là trạng thái sẽ thấy nhất ở giai đoạn này.

Dù rao bán nhiều lần, vẫn không ra được 2 mảnh đất tại khu vực Bình Dương và Bình Thuận, anh M (ngụ Tp.Thủ Đức) tỏ ra khá lo lắng. Ý định ban đầu của anh chỉ đầu tư trong vòng 1 năm rồi thu dòng tiền. Do hai mảnh đất đều dùng đòn bẩy tài chính nên khi không bán được, anh phải “gồng” lãi ngân hàng, có nguy cơ thâm hụt vào dòng vốn khi mà thanh khoản chưa “cửa sáng”. Anh M cho biết, hiện rất muốn bán ra nhưng rao mãi chưa ai mua. Bản thân anh cũng không rõ thời điểm nào thị trường mới tốt lên để ra được sản phẩm. Trong khi, anh không dày vốn để gánh các chi phí phát sinh nên khá đau đầu.

Tình trạng này hiện đang phổ biến trong nhóm nhà đầu tư mới vào thị trường, chuyên đầu tư BĐS ngắn hạn. Chị Kh, ngụ Tp.HCM, xuất thân từ môi giới, kiêm đầu tư BĐS gần một năm nay, đã vài lần, chị đầu tư “thắng” quả đậm, nhưng hiện cũng đang “mắc kẹt” vì ôm hàng, không bán được. Do đầu tư ngắn hạn nên chị Kh gần như không có vốn sẵn để ôm hàng lâu. Bị mắc kẹt nên chị Kh đang cố gồng, với kì vọng thị trường BĐS sẽ tốt lên trong thời gian tới.

Chỉ muốn “lướt sóng” nhưng mắc kẹt, nhà đầu tư nên làm gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tình trạng nhà đầu tư đầu tư BĐS trong vòng vài tháng đến một năm dù không còn nhiều nhưng vẫn âm thầm xuất hiện tại các khu vực ven Tp.HCM. Đây cũng chính là các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chính sách tín dụng bị siết chặt và thị trường sụt giảm thanh khoản. Theo một chuyên gia trong ngành, bên cạnh các nhà đầu tư lâu năm, sử dụng đòn bẩy tài chính khó ra hàng thì tâm lý xáo trộn nhất là các nhà đầu mới, không đủ nguồn lực để chờ thị trường. Họ chấp nhận “gồng” để không bị thua lỗ nhưng rất khó để xác định được thời điểm tốt lên của thị trường.

“Nếu chính sách tín dụng không được nới thực sự, nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ mạnh, thị trường có thể xảy ra đợt giảm giá, thậm chí làn sóng giảm giá mạnh trong thời gian tới”, vị này nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, tâm lý hoang mang, xáo trộn trong nhà đầu tư đang diễn ra tại thời điểm này. Khá nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” với dòng vốn đầu tư. Trong đó, lượng nhà đầu tư lướt sóng, có ý định bán sớm sản phẩm tương đối nhiều. Họ đang chịu áp lực lớn về lãi vay, thanh khoản sản phẩm. “Cái khó nhất của thị trường lúc này là nguồn vốn. Hoạt động mua bán khựng lại, nhà đầu tư áp lực cũng xuất phát từ việc không tiếp cận được nguồn vốn để mua, đầu tư BĐS”, bà Dung chia sẻ.

Ghi nhận cho thấy, hiện khá nhiều nhà đầu tư “không biết làm gì” ngoài việc chờ đợi thị trường. Với những nhà đầu tư dày vốn thì không quá đáng lo, vẫn tin về việc giá BĐS có thể tăng lên một nấc trong thời gian tới. Trong khi các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư lướt sóng thì “nơm nớp lo sợ”, liệu có “gồng gánh” được đến khi thị trường tốt lên.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường BĐS trong thời gian tới có thể tiếp tục gặp khó khăn, thanh khoản giảm, nguồn cung không có dấu hiệu cải thiện. Nếu bước sang năm 2023, chính sách tín dụng không có sự thay đổi mạnh, thị trường BĐS sẽ có những biến động khó lường.