Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam bày tỏ sự ngạc nhiên, khá bất ngờ đối với kết quả phiên đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ông cho rằng, phiên đấu giá "kỷ lục" này có thể bị tác động bởi kết hợp giữa 2 yếu tố.
Thứ nhất là do tin đồn thổi, nhằm "thổi giá" lên để kiếm lời bằng cách đấu giá. Thứ hai là do tác động của một số người thiếu hiểu biết, chưa có thông tin đầy đủ, bắt nguồn từ việc một vài địa phương đưa ra dự thảo bảng giá đất mới rất là cao, tăng từ 5-50 lần. Do đó, nhóm người này có khả năng lo ngại giá đất sắp tới sẽ tăng cao và họ tham gia vào đấu giá để "đón đầu".
Ngoài ra, Chủ tịch VACC nhận định, sau kết quả của phiên đấu giá này, đợi khi hết thời gian đặt cọc thì mới biết được thực chất giá có ảo hay không.
Đặc biệt, liên quan đến việc người tham gia vào phiên đấu giá tại Thanh Oai chủ yếu đến từ những địa phương khác, ông Hiệp cho rằng, điều này càng chứng tỏ là không phải xuất phát từ nhu cầu ở thật. Bởi ông đánh giá Thanh Oai không phải là vùng trung tâm đô thị, cũng chưa phải là khu vực được xem là quá phát triển. Hơn nữa, nếu như người ở địa phương không mua mà người từ nơi khác đến thì chỉ có thể là nhu cầu về đầu tư.
Cũng bàn luận về phiên đấu giá "chảo lửa" này, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tích Hội môi giới Bất động sản Việt Nam giải thích, trong vài năm trở lại đây, Hà Nội gần như không có dự án mới nào xuất hiện, cho nên khi một dự án chính thống từ nhà nước, đầy đủ pháp lý được mở ra sẽ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Họ cũng sẵn sàng xuống tiền để mua.
Ông Đính cũng cho rằng, nhu cầu mua bất động sản trong dân rất mạnh, không chỉ cầu về nhà ở mà cầu về đầu tư cũng rất lớn. Trong khi, hiện tại nguồn cung thì rất ít mà cầu thì rất nhiều, có "hiện tượng" cung tăng là nhà đầu tư sẽ lao vào. Chính vì thế, không khó hiểu khi phiên đấu giá tại Thanh Oai vừa qua, chỉ có 68 thửa đất mà thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký, số lượng người tham gia lớn đến như vậy.
Được biết, tổng số tiền huyện Thanh Oai thu được từ phiên đấu giá vừa qua là 404,6 tỷ đồng, chênh lệch giá khởi điểm 349 tỷ đồng (gấp khoảng 8 lần). Giá trúng đấu giá cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2, chênh với giá khởi điểm là 88 triệu đồng/m2. Giá trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2, cao hơn mức giá khởi điểm là 43,1 triệu đồng/m2. Trong khi, giá khởi điểm cho các thửa đất chỉ từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2.
Trên thực tế, theo Batdongsan.com.vn, giá rao bán đất trung bình ở địa phương này có tăng khoảng 80% trong vòng 4 năm qua nhưng cũng chỉ từ mức phổ biến là 15 triệu đồng/m2 (năm 2020) lên mức 27 triệu đồng/m2 (năm 2024).
Như vậy, so với mặt bằng giá rao bán phổ biến là 27 triệu đồng/m2 trong quý 2 vừa qua, mức giá trúng đấu giá từ 63 – 100 triệu đồng/m2 cho những lô đất tại xã Thanh Cao trong phiên đấu giá ngày 10/8/2024 bất ngờ cao "đột biến", hơn gấp 2,3 đến 3,7 lần so với giá thực tế.