Mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã xảy ra tình trạng các cá nhân tự ý thu gom đất đai, sau đó xin chuyển đổi mục đích để phân lô, bán nền. Nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng đã bị băm nát.
Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền các địa phương như Hà Nội, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc,… đã đồng loạt ra văn bản chỉ đạo, tạm dừng cấp quyền sử dụng đất để chặn phân lô, bán nền.
Trong đó, TP. Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất có đất ở và đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết với đất ở đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành.
Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có. Còn UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, sau khi báo chí liên tục phản ánh về việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản quy định trên địa bàn…
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc các địa phương ra văn bản cấm phân lô, tách thửa là để cảnh tỉnh người dân có tâm lý đi thu gom, mua đất nhỏ lẻ mà không quan tâm đến quy hoạch. Đồng thời, sẽ góp phần ngăn chặn được cơn sốt đất tự phát tại nhiều nơi.
“Khi mua đất, điều đầu tiên cần quan tâm đó là quy hoạch khu vực đó như thế nào? Nếu chỉ mua đất trong làng xã hiện trạng thì họ có thể có cơ hội xin chuyển đổi mục đích khi thoả mãn điều kiện về hạ tầng. Còn nếu mua đất nằm trong các khu vực quy hoạch phát triển dự án đô thị mới thì rất dễ bị mắc kẹt. Do vậy, người dân không nên thu gom đất một cách tù mù vì rủi ro mất tiền là rất lớn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia bất động sản này cho rằng, việc tạm dừng phân lô, tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất chỉ là giải pháp tạm thời vì thực tế luật pháp hiện hành không cấm hoạt động này. Tại một số khu kinh tế đặc biệt như Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh), sau thời gian tạm dừng đã phải mở lại các hoạt động trên. Bởi thực tế, nhu cầu chia lô, tách thửa đất của cá nhân hiện rất lớn. Và giải pháp lâu dài căn cơ nhất đó là Nhà nước cần phải xây dựng công cụ thuế để ngăn chặn việc đầu cơ đất đai.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục Thuế, điều tra xử nghiêm hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Hiện tại, ngành thuế tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Hà Nội đã xây dựng đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, tập trung thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Khi có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Nếu đủ chứng cứ sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.
Theo T.S Kinh tế Vũ Đình Ánh, để có giải pháp căn cơ cần ban hành các luật đánh thuế tài sản, đánh thuế lũy tiến với người sở hữu nhiều nhà đất. Từ đó siết đầu cơ vào bất động sản, uống nắn dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh.
“Đầu tư vào bất động sản cần vốn và nguồn vốn này có thể tìm được từ các ngân hàng. Tuy nhiên, với những yêu cầu về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, các Ngân hàng cũng đã có động thái siết chặt mảng cho vay bất động sản nhằm kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này”, ông Ánh nói.
Với các giải pháp trên, dù là trước mắt, từ phía chính quyền, cũng như của các ngân hàng, hy vọng rằng, tình trạng bát nháo, sốt nóng trong lĩnh vực đất đai hiện nay sẽ được khắc phục. Những người dân, có nhu cầu thực sự về đất ở, có thể tìm được một mảnh đất phù hợp với khả năng tài chính của mình, thay vì cứ phải chạy theo mức giá trên trời từ phía các “cò” đất.
#/chan-dung-con-sot-dat-20220423010447151.chn