Vào tháng 12/2023, Pháp cấp cho Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 euro để nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo cầu Long Biên, di sản của Thủ đô.
Sau gần một năm triển khai, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, hiện trạng cầu Long Biên do Bộ GTVT quản lý chủ yếu phục vụ vận hành đường sắt quốc gia. Bộ GTVT cũng chịu trách nhiệm chính về vận hành, đảm bảo an toàn cho cây cầu này.
Dự án này bao gồm 3 phần. Phần thứ nhất là khảo sát, đánh giá hiện trạng cầu Long Biên; thứ hai là khuyến cáo những chi tiết, hạng mục cần sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn; thứ ba là quản lý, khai thác sau khi không còn phục vụ đường sắt quốc gia, và bàn giao cầu lại cho TP Hà Nội.
Trên cơ sở những nội dung thống nhất đó, TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội ký kết một biên bản ghi nhớ vào đầu năm 2024.
"Đây là khoản hỗ trợ không hoàn lại của cơ quan Pháp. Tuy nhiên đây là khoản hỗ trợ phải thực hiện theo quy trình ODA, lập và trình chủ trương đầu tư xin phê duyệt", ông Thành nói.
Theo ông Thành, đầu tháng 9/2024 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức trình Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT), UBND TP xem xét phê duyệt dự án. Khi văn kiện dự án được phê duyệt thì khoản hỗ trợ mới có hiệu lực, chứ không phải ký kết vào năm 2023 là phía Pháp giải ngân ngay cho Hà Nội.
"Sản phẩm nghiên cứu này chỉ là hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển lại cho Bộ GTVT là cơ quan chủ quản cầu Long Biên xem xét, triển khai, thực hiện.
Hiện đường sắt quốc gia đang chạy qua cầu Long Biên, nhưng về lâu dài khi đã hình thành được mạng lưới đường sắt thay thế, trong quy hoạch đã xác định rõ Bộ GTVT sẽ bàn giao cầu cho TP Hà Nội quản lý, và khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử", ông Thành khẳng định.
Cầu Long Biên được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1903, từng bị hư hại nặng trong những đợt ném bom của Mỹ năm 1967. Việt Nam sau đó đã phục hồi cây cầu nhằm đảm bảo kết nối liên tục giữa Hà Nội - Hải Phòng.