Cập nhật giá đất ở Nam An Khánh, Mê Linh…và một số “điểm nóng”: Ngỡ ngàng nơi tăng nóng, chỗ rơi sâu

Dù không còn cảnh “sốt nóng”, sôi động ở nhiều nơi như những tháng trước. Tuy nhiên, đất nền vẫn đang là phân khúc BĐS thu hút được giới đầu tư, nhất là những khu vực thị trường còn chưa tăng nóng trong cơn sốt đất vừa qua.

Giãn cách xã hội, cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến việc đi lại, di chuyển gặp khó khăn, nhiều dự án BĐS cũng gặp không ít thách thức trong việc mở bán. Thị trường BĐS nói chung bước vào giai đoạn ảm đạm. Các chính sách bán hàng, marketing, quảng cáo của dự án cũng phải hoãn.

Nhiều điểm nóng trên thị trường BĐS trong cơn sốt đất vừa qua bắt đầu có xu hướng chững lại, giao dịch sụt giảm mạnh. Mối quan tâm của các nhà đầu tư ở những thị trường này cũng giảm sút đáng kể. Có thể kể tới những thị trường như Tp.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang,…nơi có tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua, kéo theo giao dịch nhà đất cũng giảm đáng kể trong hơn 1 tháng qua.

Theo báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam, trong tháng 5 chỉ có 3 dự án nhà thấp tầng được mở bán ở Tp.HCM giảm tới 26% so với tháng trước đó, tỷ lệ hấp thụ giảm gần 50% so với tháng 4. Theo đơn vị này, tình hình giao dịch thứ cấp phân khúc nhà phố, biệt thự Tp.HCM kém sôi động và tiếp tục có xu hướng giảm do tác động từ việc bùng phát dịch tại Tp.HCM.

Toàn thị trường ghi nhận có 9 dự án mở bán (bao gồm 3 dự án mới và 6 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 1,263 căn, giảm 32% so với tháng trước (1,844 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (khoảng 308 căn), bằng 33% so với tháng 4/2021 (929 căn).

Còn theo báo cáo mới nhất vào tháng 5 mới đây của Batdongsan.com.vn, tháng 4, mức độ quan tâm của phân khúc đất nền giảm 19%. Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và Tp.HCM. Báo cáo đơn vị này chỉ ra, một số tỉnh thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%)…Sự chững lại của thị trường sau đợt "sốt đất" cục bộ được cho là khoảng lặng để giới đầu tư xem xét toàn cảnh và tìm kiếm cơ hội đầu tư đón sóng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới kinh doanh thì phân khúc đất nền, nhà ở thấp tầng ở các đô thị lớn vẫn được giới đầu tư quan tâm, thu hút được dòng tiền đầu tư. Không còn nổi sóng như những tháng trước, thế nhưng đất nền ven đô ở một số quận, huyện xung quanh Hà Nội vẫn đang hút giới đầu tư, nhất là phân khúc có giá trị từ 1-2 tỉ đồng, và đất ở các dự án khu đô thị mới từ 3-5 tỉ đồng mỗi lô khoảng trên dưới 100m2.

Cập nhật giá đất ở Nam An Khánh, Mê Linh…và một số “điểm nóng”: Ngỡ ngàng nơi tăng nóng, chỗ rơi sâu - Ảnh 1.

Nhiều khu đô thị ven Hà Nội còn để hoang hóa

Đất ven Hà Nội hạ nhiệt

Có thể kể tới một số khu vực vẫn đang túc tắc giao dịch như Hoài Đức, diện tích 20-50m2 ở Mộc Hoàn, Quyết Tiến, Phương Quan (Vân Côn) có mức giá dao động từ 18-22 triệu đồng/m2; đất ở La Tinh, Đồng Nhân, Đông Lao (Đông La) có mức giá dao động 27-30 triệu đồng/m2, đất tại Lại Yên có giá 22-30 triệu đồng/m2. Tổng giá trị các mảnh đất đều không quá 1 tỷ đồng.

Hay tại Hà Đông, những mảnh đất có giá trị dưới 1 tỷ đồng có diện tích từ 30-35m2 vẫn hiện hữu tại các phường xa trung tâm như Biên Giang, Đồng Mai, Yên Nghĩa. Đất tại Yên Nghĩa đang dao động từ 24-32 triệu đồng/m2, đất tại Đồng Mai được chào bán từ 15-25 triệu đồng/m2, đất tại Biên Giang từ 22-30 triệu đồng/m2.

Ngay tại Đông Anh, một điểm nóng đất nền của Hà Nội thời điểm đầu năm vẫn xuất hiện những lô đất có giá dưới 1 tỷ đồng. Tại Hải Bối không thiếu những lô đất 40m2 có giá bán dao động từ 20-25 triệu đồng/m2. Hay tại Mỹ Nội, Quan Âm, Thượng Phúc (Bắc Hồng) có những lô đất 40-60m2 giá bán chỉ 17-20 triệu đồng/m2. Hay tại Xuân Nộn, rất nhiều mảnh đất 40-60m2 có giá bán không vượt quá 1 tỷ, dao động từ 15-17 triệu đồng/m2.

Theo giới kinh doanh tại địa phương, đất nền thổ cư ở một số khu vực ven Hà Nội không tăng mạnh, chỉ vào khoảng 10-20% trong cơn sốt đất vừa qua và hiện tại khi cơn sốt hạ nhiệt giá đất cũng giảm theo khoảng 5-10%.

Tại Mê Linh, giá đất tại một số khu đô thị mới đã chững lại sau khi sốt đất điên cuồng ở khu vực này vào hồi đầu năm. Sau 15 năm phát triển, các đô thị ở đây gần như bỏ hoang, giá khởi điểm ban đầu của những lô liền kề, biệt thự vào khoảng 12-15 triệu đồng/m2, tuy nhiên, cơn sốt đất năm 2011 đã đẩy giá đất khu vực này lên gấp đôi, sau đó lao dốc quay lại mức khởi điểm cho đến cơn sốt đất đầu năm 2021, đất ở các dự án Mê Linh đã bất ngờ tăng vọt lên khoảng 20-22 triệu đồng/m2. Hiện tại nhiều lô đất biệt thự, liền kề dù vẫn còn trong tình trạng để hoang, tỷ lệ người dân sinh sống vẫn rất ít đang được rao bán từ 20-25 triệu đồng/m2.

Cập nhật giá đất ở Nam An Khánh, Mê Linh…và một số “điểm nóng”: Ngỡ ngàng nơi tăng nóng, chỗ rơi sâu - Ảnh 2.

Những lô đất thuộc khu đô thị Cienco5 Mê Linh đã được phân lô, hạ tầng kỹ thuật đầy đủ nhưng vẫn chỉ là nơi chăn thả bò, chưa có người về ở

Tại Nam An Khánh (Hoài Đức), đây được xem là tâm điểm thị trường nhà thấp tầng tại Hà Nội thời gian qua. Giá những căn shophouse, biệt thự hay liền kề ở các đô thị lớn tăng mạnh khoảng 1 năm vừa qua. Hiện giá nhà ở thấp tầng khu vực này đã quay lại ngưỡng đỉnh sốt của năm 2011 sau khi giảm mạnh trong khoảng gần 10 năm qua. Mức tăng giá gần gấp đôi so với hồi "đáy". Chẳng hạn nhà vườn, biệt thự ở Nam An Khánh tăng từ 35 triệu đồng/m2 lên 60-70 triệu đồng/m2, dự án Geleximco cũng tăng rất mạnh từ trên 30 triệu đồng/m2 lên khoảng 60 triệu đồng/m2, những lô nhà phố mặt đường Lê Trọng Tấn có mức giá lên tới hơn 150 triệu đồng/m2…Tuy nhiên, sau khi giá tăng mạnh, giao dịch và mức độ quan tâm đã chững lại và có xu hướng giảm đáng kể.

Giá đất một số "điểm nóng" bước vào xu hướng giảm

Không chỉ Hà Nội, giá đất tăng phi mã do hiện tượng đầu cơ thổi giá trong cơn sốt vừa qua cũng đã bắt đầu giảm mạnh. Chẳng hạn tại Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), các lô đất dự án đang hạ giá từ 26 triệu đồng/m2 vào thời điểm cuối tháng 2/2021, xuống còn 24 - 24,5 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại; đất Việt Yên (Bắc Giang) cũng được rao bán giảm từ 5-10% so với đỉnh sốt, hiện ghi nhận với mức giá trung bình 15 - 21 triệu đồng/m2;

Giá đất ở Đồng Văn (Hà Nam) sau khi tăng phi mã vào đầu năm lên mức cao, thì nay cũng đã lao dốc giảm mỗi lô diện tích 100m2 khoảng từ 200-500 triệu đồng; Thanh Hóa cũng là địa phương ghi nhận mức giảm giá cục bộ sau cơn sốt. Nếu các nền đất ven biển, hay mặt tiền giá đất đi ngang thì các nền đất trong dân, mặt tiền nhỏ ghi nhận giá giảm 5-10% so với thời điểm nóng sốt. Bên cạnh việc giảm giá thì hiện để bán được các mảnh đất này là một vấn đề nan giải của chủ đất.

Theo chia sẻ với báo chí gần đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn, cho rằng hiện nhiều nhà đầu tư bắt đầu tính đến phương án an toàn, cân nhắc đến bài toán tài chính đầu tư dài hạn hơn là đầu cơ lướt sóng. Họ gần như ít chấp nhận khoản lỗ lớn và lộ trình tài chính rõ ràng nên sẽ ít chấp nhận báo tháo với giá quá thấp. Trong trường hợp thị trường hạ nhiệt, giao dịch giảm thì giới đầu tư cũng chỉ chấp nhận ra hàng với tầm giá ít nhất bằng giá mua vào, nếu có thì cũng chỉ giảm nhẹ.

Chính vì thế, giới kinh doanh nhận định, đất nền sẽ khó có khả năng giảm sâu bởi mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây vẫn là phân khúc BĐS được ưa chuộng đầu tư, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nhà đất vẫn là nơi cất trữ tài sản an toàn của giới nhà giàu. Với tâm lý ăn chắc mặc bền, đất nền sẽ vẫn là phân khúc BĐS nhiều triển vọng trong thời gian tới.