Nhiều mặt bằng cho thuê quận 1, quận 3 nằm trên các tuyến đường từng kinh doanh sầm uất nhất đang tiếp tục rơi vào ế ẩm, treo biển bán, cho thuê tìm khách những tháng cuối năm.
Mặt Bằng Cho Thuê 8 – 12 Tháng Không Có Khách
Chị N.T. Thủy, chủ một cửa hàng kinh doanh trên tuyến đường Trần Khát Chân, quận 1 cho biết, giữa tháng 12 bên chị cũng trả lại mặt bằng này vì kinh doanh “thu không bù chi”. Lượng khách ít, phí vận hành và thuê mặt bằng cao, chủ nhà cũng không thương lượng được giá thuê mới.
Anh T.T. Trung, quản lý một cửa hàng đồ lưu niệm đang thuê căn nhà mặt tiền đường Mạc Thị Bưởi (quận 1), cho biết hết tháng 12 cũng phải trả lại mặt bằng kinh doanh để dời sang khu vự khác do hơn 1 năm qua doanh thu trượt dốc. Được biết, mặt bằng cho thuê này có giá thuê gần 6.000 USD/tháng (tương đương gần 140 triệu đồng/tháng) nhưng vì kinh doanh ế ẩm nên thường xuyên phải bù lỗ. Cảm thấy không thể kéo dài, chủ cửa hàng trả lại mặt bằng.
xem thêm: Mặt Bằng Cho Thuê TP.HCM, Giảm Giá 30-40% Vẫn Khó Kiếm Khách
Các mặt bằng cho thuê kinh doanh có diện tích nhỏ, khoảng 100m2 trở xuống vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm TP.HCM trước đây được nhiều người săn đón bởi mức giá hợp lý, thuận tiện kinh doanh dịch vụ trong khu vực sầm uất với lưu lượng người qua lại lớn.
Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, ngành du lịch chưa phục hồi và sự thay đổi về tư duy mua sắm của người tiêu dùng, nên nhiều mặt bằng cho thuê có diện tích nhỏ với hợp đồng thuê ngắn hạn tại khu vực trung tâm đã bị bỏ trống trong suốt nhiều tháng nay mà không tìm được khách thuê. Đặc biệt là tại các tuyến phố "vàng" như Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Mạc Thị Bưởi…
Tuyến đường Lê Lợi, nơi từng là trung tâm mua bán “muốn thuê phải xếp hàng” nay chưa đến 550m mà hơn 10 mặt bằng cho thuê đóng cửa, treo biển chào thuê từ đầu năm đến hiện tại vẫn chưa tìm được khách hàng. Theo tìm hiểu, giai đoạn 2022 khi các rào chắn được gỡ bỏ, giá thuê mặt bằng tại đây tăng mạnh 40 – 50%, rơi vào tầm 350 – 550 triệu đồng/tháng.
Theo một số hộ kinh doanh gần đó, sở dĩ không ai đến thuê vì giá mặt bằng ở đây vẫn quá cao, ở mức đỉnh. Mức giảm giá không mạnh, chỉ tầm 15-20% là tối đa, trong khi việc kinh doanh buôn bán không thuận lợi, không hộ kinh doanh nào muốn gánh chi phí mặt bằng cho thuê quá cao lúc này.
Cách đó không xa, một tuyến đường có mặt bằng kinh doanh sầm uất nhất quận 1 là Đồng Khởi, nơi vừa được tạp chí Cushman Wakefield bình chọn là xếp thứ 13 trong các tuyến đường có giá thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ nhất thế giới, vẫn có không ít cửa hàng đóng cửa, treo biển tìm khách thuê. Một số căn đóng cửa, tuy không có biển quảng cáo chào thuê nhưng nếu muốn thuê vẫn có thể liên hệ môi giới.
Không khác gì đường Lê Lợi, đường Lê Thánh Tôn cũng có hơn 15 mặt bằng trong tình trạng bỏ trống, cửa đóng và treo biển cho thuê. Dù vắng khách nhưng giá mặt bằng trên con đường này vẫn rất cao, dao động 5.000 – 20.000 USD/tháng (gần 110 – 500 triệu đồng).
Dù Ế Nhưng Giá Thuê Vẫn Cao
Kinh tế khó khăn, sức mua yếu khiến nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh ở TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không gánh nổi giá thuê hàng tháng quá lớn. Làn sóng trả mặt bằng cho thuê TP.HCM đã kéo dài từ đầu năm đến nay nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí còn lan từ khu trung tâm quận 1 ra những con đường sầm uất ở các quận 3, 5, quận 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Điều đáng nói là dù cho thuê ế ẩm nhưng rất ít chủ nhà chịu giảm giá thuê như những năm đại dịch Covid-19. Hiện tại những căn nhà mặt tiền ở vị trí đẹp như căn góc trên đường Đồng Khởi, rộng chưa tới 100m2, 1 trệt và 2 lầu giá cho thuê dao động từ 250 – 400 triệu đồng/tháng; các căn mặt tiền bình thường khoảng 200 triệu đồng/tháng; còn những căn thuê tầng trệt khoảng 150 triệu/tháng.
Theo đánh giá của Savills, trong quý 3/2023, mặc dù kinh doanh ế ẩm, trả mặt bằng nhiều nhưng tỷ lệ lấp đầy các mặt bằng cho thuê bán lẻ vẫn duy trì mức 91%. Trong đó, mặt bằng khu vực ngoài trung tâm TP.HCM chiếm tới 91% tổng số nguồn cung. Giá thuê các mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm vẫn đang cao gấp 3 lần so với các quận ngoài trung tâm.
Báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết, giá thuê ở khu vực trung tâm này vẫn có xu hướng tăng 1 – 1,5%/năm. Đáng nói, không chỉ giá cao, mặt bằng khu trung tâm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy chữa cháy… Do vậy, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm nhiều không gian hơn ở các khu vực ngoài trung tâm để ra mắt các cửa hàng bán lẻ tạm thời trong khoảng thời gian ngắn.
Theo nhiều môi giới mặt bằng cho thuê quận 1 giải thích, sở dĩ giá thuê cao vì chủ sở hữu mong muốn và giữ giá thuê theo đúng giá trị bất động sản ngay trung tâm quận 1 và họ muốn khách thuê phải lâu dài.
Điều này đồng nghĩa, khách thuê phải bỏ tiền lớn và lâu dài từ 4-5 năm. Nhưng trong lúc kinh doanh khó khăn hiện nay, việc trụ lâu dài được giới kinh doanh xác định rất khó. Bằng chứng là một số thương hiệu đã tiếp tục rời đi vì kinh doanh kém hiệu quả cũng như hết hợp đồng thuê cũ.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay đa phần mặt bằng cho thuê đều đang được chủ nhà mang đi thế chấp nên nếu giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều mặt. Với những người đầu tư tài chính, việc cho thuê hoặc không thì không quá quan trọng nhưng nếu giảm giá thuê sẽ ảnh hưởng giá mặt bằng chung, định giá tài sản và các vấn đề khác.
Bên cạnh đó, hầu hết các mặt bằng bỏ trống ở khu vực trung tâm TPHCM hoặc những tuyến đường lớn thường thuộc sở hữu của những người có năng lực tài chính tốt. Họ chấp nhận bỏ trống chứ không giảm giá cho thuê vì nếu giảm sâu sẽ ảnh hưởng mặt bằng chung và tương lai giá thuê trong khu vực sẽ khó tăng.
"Tỷ suất lợi nhuận cho thuê của nhà mặt tiền trung tâm cũng thấp, chỉ dưới 2%/năm. Mục đích chính sở hữu nhà mặt tiền ở các trục đường chính quận trung tâm là để giữ tài sản, khẳng định giá trị bản thân dựa vào vị trí, độ khan hiếm của bất động sản. Do đó, khi bị trả với mức giá thấp hơn trước đây cho thuê thì họ "thà để không" hoặc chỉ chấp nhận giảm rất ít", chuyên gia cho hay.
Đông Phong
TỪ KHÓA: Thị trường BĐS TP.HCM