Cần lộ trình thực hiện giao dịch bất động sản không dùng tiền mặt, phòng chống rửa tiền, thất thu thuế

Theo chuyên gia, cần có lộ trình để thực hiện tất cả mọi giao dịch liên quan đến mua bán bất động sản đều phải qua ngân hàng, không giao dịch tiền mặt để vừa phòng chống được việc rửa tiền, vừa phòng chống việc thất thu thuế.

Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: Bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và cũng là tài sản lớn của xã hội, của mọi người. Vì thế, vấn đề rửa tiền có thể xảy ra vì đây là lĩnh vực dễ rửa tiền nhất, dễ đưa tiền vào nhất khi có hoạt động mua – bán.

Việc mua bán bất động sản có thể có sự thông đồng, thỏa thuận, có thể đưa tiền không sạch, tiền phi pháp vào giao dịch. Vì thế, cần có cơ chế chính sách để kiểm soát được điều này và đây là điều cần thiết. Cơ chế kiểm tra kiểm soát làm sao chặt chẽ, cơ chế chính sách phải đi trước một bước để tránh tình trạng rửa tiền xảy ra. Khi nó đã xảy ra lại là vấn đề khác nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Cần lộ trình thực hiện giao dịch bất động sản không dùng tiền mặt, phòng chống rửa tiền, thất thu thuế - Ảnh 1.

Theo chuyên gia, cần có lộ trình để thực hiện giao dịch bất động sản qua ngân hàng, không giao dịch tiền mặt nhằm phòng chống rửa tiền vào lĩnh vực này. (Ảnh: Minh Thư)

Có nhiều cách, chẳng hạn như không giao dịch bằng tiền mặt, buộc phải chuyển khoản tiền qua ngân hàng cũng sẽ là một cách kiểm soát tốt hoặc quy định mua bán bất động sản thông qua sàn bất động sản để hạn chế vấn đề rửa tiền xảy ra.

“Chính sách cần đi trước một bước, đừng để tình trạng rửa tiền xảy ra rồi mới bắt đầu làm việc, kiểm tra, kiểm soát. Cần phòng bệnh hơn chữa bệnh, cũng như thị trường chứng khoán vừa rồi, phải uốn nắn ngay lúc đầu, chứ đừng để đến lúc rõ ràng mọi thứ thì lúc đó lại là vấn đề lớn, gây hậu quả xã hội rất lớn”, ông Điệp nói.

Song, theo ông Điệp, cần có lộ trình cho các giải pháp thực hiện cụ thể để không gây tác động, ảnh hưởng không tốt tới thị trường bất động sản, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cần có lộ trình để thực hiện tất cả mọi giao dịch liên quan đến mua bán bất động sản đều phải qua ngân hàng, không giao dịch tiền mặt để vừa phòng chống được việc rửa tiền, vừa phòng chống việc thất thu thuế.

Trước đó, thời điểm góp ý xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật kinh doanh Bất động sản, tháng 9/2021, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi kiến nghị tới Bộ Tư pháp khi cho rằng, Luật kinh doanh Bất động sản 2014 chưa quy định giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nên kinh doanh bất động sản có thể thành nơi trú ẩn của tội phạm “rửa tiền”, che giấu tài sản bất minh, tham nhũng, hoặc do phạm tội mà có.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Luật kinh doanh bất động sản 2014 chưa quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng nên thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ vẫn phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng này, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tư pháp bổ sung vào dự thảo nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bất động sản quy định: Thanh toán giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng, trừ các khoản thanh toán có giá trị nhỏ theo quy định của pháp luật về thuế.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho ràng, rất cần quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với các giao dịch nhà đất. Việc này sẽ giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền, đồng thời tạo minh bạch cho thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn cho thị trường bất động sản như thời gian qua.

Tuy nhiên, theo ông Đính phải tuyên truyền cho người dân về các lợi ích khi thực hiện giải pháp này, đồng thời phải áp dụng đồng bộ với các quy định liên quan.

Tổng cục Thuế vừa đề xuất Bộ Tài chính bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc giao dịch bất động sản qua ngân hàng là điều kiện quan trọng để thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung hoạt động công khai, minh bạch, đảm bảo tính an toàn cho cả người mua lẫn người bán.

Theo đó, việc giao dịch bất động sản qua ngân hàng có nhiều ưu điểm như vừa tiện lợi, chính xác, an toàn trong giao dịch, vừa giảm thiểu được những tranh chấp phức tạp về thanh toán, kiểm soát được tình trạng trốn thuế, rửa tiền.