Cần gần 200.000 tỷ đồng phát triển giao thông miền Tây trong 5 năm tới

Thông tin này được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể công bố tại hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mới đây.

Theo Bộ Trưởng giao thông Nguyễn Văn Thể, tổng nhu cầu vốn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông miền Tây giai đoạn 2021-2025 hơn 198.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Thể, nhu cầu vốn này vượt quá khả năng cân đối trong điều kiện nguồn lực khó khăn. Do đó Bộ đã đề nghị Chính phủ và thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối tối thiểu hơn 57.300 tỷ đồng dành cho đầu tư giao thông miền Tây. Số vốn này tăng hơn 96% (khoảng 29.000 tỷ đồng) so với giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ trưởng giao thông, số tiền này sẽ được đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các Cầu Rạch Miễu 2, Đại Nghĩa; nâng cấp một số tuyến quốc lộ quan trọng. Đồng thời hoàn chỉnh dự án luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu; thực hiện giai đoạn 2 của tuyến kênh Chợ Gạo, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam...

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100.000 tấn; thực hiện bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư. Theo đó, cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ và hệ thống giao thông phát triển, cảng nước sâu này góp phần thúc đẩy miền Tây chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu công nghiệp...

Ba năm qua, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (nối Cao Lãnh – Rạch Sỏi) để hình thành mọt trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh, tạo điều kiện cho vùng phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ đồng đầu tư công để khởi công 3 gói thầu của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành trong năm 2022.