Cải tạo chung cư cũ cấp nguy hiểm, người dân vẫn đang chờ kế hoạch

Hà Nội sẽ ưu tiên cải tạo 10 chung cư cũ trong đó có những chung cư cấp nguy hiểm, tuy nhiên người dân tại các chung cư cũ vẫn còn nhiều băn khoăn khi kế hoạch tạm cư, tái định cư, phương án đền bù... vẫn chưa có?

Người dân chung cư cấp nguy hiểm chưa biết đi đâu về đâu?

Khu chung cư cũ tại số 112 Trần Hưng Đạo đã có tuổi đời hơn 100 năm thuộc đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Tới nay, tuổi thọ của công trình không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Tường, cầu thang, khu vực công trình phụ chung xuống cấp dù nhiều lần được người dân kiến nghị giải quyết. Thực tế, để tránh tình trạng “cứ mưa là dột” nhiều hộ dân đã phải tự chế đường ống thoát nước để khắc phục tình thế.

Ông Nguyễn Văn Hưng cư dân tại chung cư 112 Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Không có điều kiện kinh tế thì phải chịu thôi, ai muốn ở chật, nếu được xây dựng rộng rãi sạch sẽ thì người dân sẽ đồng ý ngay”.

Tại khu chung cư Giảng Võ thuộc cấp D (cấp nguy hiểm) tòa nhà xuống cấp đến mức cầu thang có thể sập, để đảm bảo an toàn cho người dân ở đây cầu thang đã được gia cố lại. Đây là một trong 10 khu chung cư cũ được ưu tiên cải tạo, xây mới giai đoạn 2021-2025 theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Dù vậy, người dân vẫn băn khoăn về tiến độ thực hiện công tác cải tạo, xây mới chung cư cũ sau nhiều lần “lỡ hẹn” của các cấp. Do đó, dù biết nguy hiểm, nhưng vẫn cố bám trụ vì không có chỗ để đi.

Ông Nguyễn Văn Thiện ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình nêu ý kiến: “Có thông tin về việc cải tạo lại chung cư cũ này, người dân sẽ được tạm cư ở Yên Hòa, chỉ có thông tin thế thôi chứ chưa có kế hoạch gì chính thức, người dân đi tạm cư cũng phải rõ ràng là thời gian tạm cư 2 năm hay 3 năm, cải tạo xây dựng lại chung cư bao giờ xong để dân lại được về”.

Nhiều người dân tại chung cư cũ cấp D ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình đều có mong muốn được cải tạo, xây mới, vừa tạo cảnh quan đô thị và cũng an toàn hơn trong đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bài toán lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư dù đã có quy định nhưng vẫn chưa có tiếng nói chung thì khó có thể thực hiện được.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở Phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho rằng: “Ở nhà chung cư mới thì ai cũng ủng hộ. Nhưng yêu cầu di tản trước thì người dân chưa đi vì chưa biết ai đầu tư. Sẵn sàng đi nhưng với điều kiện chủ đầu tư về thì mới thống nhất các phương án xây dựng, đền bù ra sao… Chủ đầu tư hợp pháp mới đi theo kế hoạch có cam kết”.

Băn khoăn về tính khả thi của những quy định mới

Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ đã có hiệu lực, HĐND thành phố Hà Nội đã thống nhất có Nghị quyết về cải tạo xây dựng chung cư cũ. Theo đó, quá trình cải tạo chung cư cũ được chia thành nhiều giai đoạn và mốc thời gian cụ thể. Trong đó, chi khoảng hơn 500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư. Lựa chọn ban đầu 10 khu chung cư cũ về xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp, những đơn vị sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ vẫn còn nhiều băn khoăn. Thực tế, thời gian qua rất nhiều chủ đầu tư đăng ký tham gia cải tạo, xây mới chung cư cũ nhưng tới nay vẫn chỉ dừng lại ở mức thăm dò.

Chung cư số 30A Lý Thường Kiệt là một trong số ít chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội được cải tạo xây mới hoàn thành vào năm 2020. Từ lúc triển khai cho tới khi thực hiện xong đơn vị này phải mất hơn 10 năm.

Ông Trần Duy Độ, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Toàn Cầu (đơn vị là chủ đầu tư chung cư số 30A Lý Thường Kiệt) cho biết, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, từ thỏa thuận đền bù đến chính sách tạm cư vẫn là cản trở lớn nhất.

“Cần có cơ chế ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp cải tạo, tháo gỡ nút thắt về quy hoạch cho doanh nghiệp, với những chung cư ở vị trí trung tâm nhưng hạn chế về chiều cao mà không có phương án kinh doanh, đền bù giải phóng mặt bằng cụ thể thì rất khó để doanh nghiệp tham gia cải tạo” - ông Trần Duy Độ nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo ngại việc triển khai Nghị quyết Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội liệu có kịp tiến độ đề ra? Thực tế, thành phố Hà Nội có số lượng chung cư cũ nhiều nhất cả nước nên việc triển khai kiểm định, lập quy hoạch có khối lượng công việc rất lớn. Trong khi đó, khâu đàm phán để có sự đồng thuận đầu tư là yếu tố then chốt trong việc đầu tư cho chủ trương này.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thành phố Hà Nội đang có những bước tiến mới trong việc cải tạo, xây mới chung cư cũ trong thời gian tới đây. Các quy định đã rõ ràng nhưng thực hiện trong thực tiễn còn nhiều tranh cãi, băn khoăn tính khả thi của các quy định mới.

“Quy hoạch được lập trên cơ sở chủ quan của chính quyền, tính lợi ích của chủ đầu tư có được tính đến đầy đủ hay không thì còn phải xem xét, nếu không đầy đủ, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng, không phù hợp với lợi ích các bên, cải tạo chung cư cũ cũng lại sẽ khó khăn, lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Doanh nghiệp vào rồi, lại ra. Quy hoạch chủ động là tốt rồi, lập, phê duyệt nên lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân ở khu vực giải tỏa thì mới có tiếng nói chung, thuận lợi” - ông Nguyễn Văn Đính đề nghị./.

Theo thống kê tới năm 2020, thành phố Hà Nội có gần 1.600 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Qua nhiều thập kỷ, hầu hết các chung cư này đã quá niên hạn sử dụng.