Cả nước đang tồn kho gần 17.000 bất động sản

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù lượng giao dịch bất động sản quý III tăng nhưng tồn kho vẫn lớn. Cả nước có gần 17.000 sản phẩm bất động sản tồn kho.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù có những dấu hiệu tích cực từ cơ chế và chính sách, cũng như sự điều chỉnh lãi suất ngân hàng, song vẫn tồn tại nhiều dự án bất động sản đang phải tạm ngưng do gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp lý, điều chỉnh quy hoạch...

Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang làm cho việc giải quyết lượng tồn kho bất động sản trở nên khó khăn.

Cả nước đang tồn kho gần 17.000 bất động sản - Ảnh 1.

Tồn kho bất động sản quý III tăng hơn quý II.

Theo Bộ Xây dựng, số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho thấy lượng tồn kho bất động sản trong quý III năm nay gần 17.000 sản phẩm bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (tăng hơn 250 căn hơn so với quý II). Trong đó, chung cư tồn kho gần 3.200 căn; nhà ở riêng lẻ hơn 6.500 căn; đất nền hơn 7.200 nền.

Hàng tồn kho lớn được thể hiện trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Báo cáo quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho thấy, giá trị tồn kho 16.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2022 (14.800 tỷ đồng). Lượng hàng tồn kho chiếm 60% giá trị tổng tài sản.

Dù giá trị tồn kho bất động sản gia tăng, nhiều chuyên gia vẫn duy trì dự báo lạc quan và cho rằng tồn kho này sẽ trở thành tài sản giá trị trong giai đoạn sắp tới, khi thị trường bất động sản trở lại với tình trạng thanh khoản tốt hơn.

Để gỡ khó thị trường bất động sản Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục, khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường; Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, phải tập trung rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể nguyên nhân và khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, địa phương phải rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án bất động sản mới, trong đó có dự án nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, mỗi địa phương phải lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Cùng đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức.