Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản tiềm ẩn bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái"

Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản năm 2022 tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái". Ngoài ra, các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ...

Theo báo cáo Hội nghị Tổng kết thực hiện công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng mà Bộ Xây dựng vừa công bố, Bộ này thừa nhận việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của bộ năm 2022 còn chậm theo tiến độ được giao. Nguyên nhân là các văn bản pháp luật của ngành có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, sự phối hợp tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.

Việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá theo Bộ Xây dựng, vẫn còn chậm, chưa theo kịp với những bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn chưa chặt chẽ. Nguồn vốn, thủ tục lập quy hoạch còn vướng mắc, hạn chế.

Ngoài ra, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, còn chậm đổi mới. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.

Về lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái". Ngoài ra, các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ...

"Có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực", Bộ Xây dựng nêu loạt bất cập.

Về thị trường bất động sản năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại diện Bộ này cho biết trong năm 2023, Tổ công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ này cũng nhấn mạnh sẽ hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.