Bộ trưởng Tài chính: Hơn 200.000 trụ sở công sẽ được sắp xếp lại

Tính đến ngày 26/12/2024, số cơ sở nhà, đất của bộ, ngành, địa phương được duyệt phương án sắp xếp lại là 205.862, hơn 62.700 cơ sở chưa có phương án.

Thông tin được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên làm việc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ, sáng 24/4.

Liên quan đến kết quả thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, tính đến ngày 26/12/2024 số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước 205.862 cơ sở.

Bộ trưởng Tài chính: Hơn 200.000 trụ sở công sẽ được sắp xếp lại

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Phạm Thắng)

" Số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định là 62.739 cơ sở ", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tài chính nhận định, quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian. Số lượng các cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.

Thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn chứng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, vừa rồi Tổng Bí thư đã chỉ đạo thanh tra. Hay dự án tòa tháp Vicem được Tổng công ty Xi măng Việt Nam đầu tư ở đường Phạm Hùng.

Với tài sản công, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ vì đây vừa là thực hành tiết kiệm, vừa là chống lãng phí.

Bộ trưởng Tài chính: Hơn 200.000 trụ sở công sẽ được sắp xếp lại

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: Phạm Thắng)

" Phải tháo gỡ những dự án đã có và đang triển khai dở dang ở địa phương, để đưa nguồn lực vào phục vụ phát triển, như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 phải tháo gỡ để đưa vào hoạt động ", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị tháo gỡ về thể chế, chính sách để khơi thông nguồn lực, chống lãng phí.

" Khi còn ở địa phương, tôi chỉ đạo rất rõ những dự án chậm tiến độ nhiều năm, thống kê hết để thu hồi. Sau đó một số dự án đã triển khai ngay ", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Với những dự án không triển khai được, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải lấy đất đó để đấu giá, đấu thầu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng cần cần rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả.

" Các địa phương có rất nhiều tài sản công sử dụng không hiệu quả, bố trí cho người này, người kia mượn, cơ quan này, cơ quan kia ngồi quá rộng. Khi ở địa phương, tôi chỉ đạo phải sử dụng cho hiệu quả, cái gì không hiệu quả thì cho đấu giá, đấu thầu, lấy tiền để làm việc khác, làm công trình công cộng ", ông Nguyễn Khắc Định kiến nghị.

Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, cần quan tâm vấn đề quản lý tài chính, tài sản để chống thất thoát lúc sáp nhập, chuyển đổi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trụ sở, tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải đưa vào sử dụng cho hiệu quả, chống thất thoát, chống lãng phí, chống tiêu cực.

" Trong bối cảnh đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và từ 2026 đến 2030 là tăng trưởng 2 con số, Tổng Bí thư và các lãnh đạo cấp cao nhận định những dự án đang tồn đọng nếu được đưa vào sử dụng cũng góp phần tăng trưởng rất mạnh. Vì vậy, chống lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới ", Phó Chủ tịch Quốc hội nói thêm.