Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch và ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành. Ngoài ra là các chuyên gia về du lịch, kinh tế và nhiều doanh nghiệp uy tín về du lịch, lữ hành, hàng không trên toàn quốc.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát phải mất thêm 2 năm nữa để du lịch tăng trưởng trở lại
Phát biểu tại tọa đàm ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết từ năm 2020, dịch Covid-19 đã biến du lịch từ ngành tăng trưởng ổn định nhất trở thành ngành bị ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế dịch và trở thành tên tuổi sáng giá trên thị trường quốc tế. Đây là thế mạnh, là đòn bẩy cho du lịch Việt Nam tăng trưởng và phục hồi sau này.
Cũng theo ông Thiện, năm 2020, du lịch Việt Nam liên tục được vinh danh là điểm đến văn hóa hàng đầu châu lục và quốc tế. Năm 2020, sau khi các đợt dịch được kiểm soát Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã kích cầu du lịch, nhờ vậy lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại doanh thu khoảng 312.200 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.
ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng Việt Nam cần lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
"Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất thêm ít nhất 2 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch", ông Thiện nhấn mạnh.
Nhu cầu đi du lịch của người Việt vẫn rất lớn, phục hồi du lịch phải gắn với những sản phẩm mới, sáng tạo mới
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại tọa đàm: "Chúng ta đang chờ đợi sự phục hồi trở lại của du lịch, tuy nhiên phục hồi không có nghĩa quay trở lại ngày hôm qua. Chúng ta cần có thêm những sản phẩm mới, sáng tạo mới".
Cũng theo ông Lộc, Covid -19 đến là một sự thức tỉnh. Các gia đình thay đổi thói quen du lịch, tích lũy ít đi và đi du lịch nhiều hơn. Quan điểm đi du lịch cũng khác, khách cần nhiều trải nghiệm hơn, thân thiện với môi trường hơn. Tại Việt Nam, du lịch gắn liền với thiên nhiên, văn hóa, vẻ đẹp tiềm ẩn. Mặc dù hiện nay ngành du lịch đứng trước khó khăn nhưng đây sẽ là ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau khi Covid-19 được kiểm soát.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Tôi cho rằng, ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc Việt Nam sẽ được lựa chọn điểm đến du lịch hàng đầu. Chúng ta đã sáng tạo, rất không ngoan trong chống Covid. Trong phát triển du lịch, thu hút du lịch tôi mong rằng chúng ta sẽ có những cách thu hút du lịch hấp dẫn hơn", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết.
"Tôi đề nghị chúng ta cùng phát động cuộc thi về những sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc với tên gọi như: Khám phá Việt Nam hay Đất nước ta. Chúng ta sẽ tìm ra câu chuyện để phát triển du lịch bằng cách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp cho người dân trong nước lẫn thế giới đều biết đến và muốn đến khám phá, trải nghiệm ở từng vùng đất của Việt Nam", ông Lộc nói thêm.
Tại tọa đàm, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định nhu cầu đi du lịch của người Việt Nam là rất lớn. Theo các đơn vị nghiên cứu, trước dịch Covid-19, người Việt Nam sẵn sàng chi trả từ 8-10 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đi du lịch nước ngoài bị ngưng trệ, các doanh nghiệp cần tìm cách khai thác triệt để nguồn tài chính này.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Hương Trần Kiều Dung đưa ra 5 kiến nghị: Thứ nhất là phát động chương trình du lịch nội địa, kích cầu trong nước. Thứ hai là đề xuất thêm một ngày nghỉ có tên Ngành du lịch, bố trí sát các ngày nghỉ hiện tại để tăng thời gian lưu trú nhiều hơn. Thứ ba, đối với các doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo sự an toàn cho khách, tăng cường dịch vụ và giảm chi phí. Thứ tư là nhân sự ngành du lịch hiện đã giảm 50% trong dịch, vì vậy cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để đào tạo lại đội ngũ. Thứ năm là các doang nghiệp cần chung tay kết nối tạo nên chuỗi du lịch độc đáo cho khách.
Năm 2021, nhiều địa phương chuẩn bị kích cầu du lịch đồng loạt
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương này đã có sẵn nhiều kế hoạch, kịch bản phát triển du lịch trở lại. Nhiều hoạt động tuyên truyền xây dựng hình ảnh Huế là một điểm đến an toàn để mọi người yên tâm du lịch đã được triển khai. Địa phương cũng đã lên kịch bản xử lý cho từng trường hợp có thể xảy ra. Truyền thông đến các cơ sở lưu trú, du lịch, áp dụng 5K, quét mã QR, ứng dụng công nghệ để du khách biết các điểm đến tại địa phương.
Ông Bình cũng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách kích cầu để du khách tiếp cận, giảm giá vé, dịch vụ; tổ chức tái khởi động ngành du lịch Thừa Thiên Huế, mở đầu cho chuỗi hoạt động, kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách để phục hồi và phát triển cho các doanh nghiệp phát triển du lịch. Huế sẽ tiếp tục trở thành điểm đến an toàn và có các sản phẩm mới hơn.
Đồng quan điểm với ông Bình, ông Nguyễn Văn Thi - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa khẳng định chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới. Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải nhanh chóng phục hồi du lịch an toàn, bền vững để chuẩn bị cho mùa cao điểm. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ là tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc.
Thanh Hóa cũng đang có lễ hội festival đường phố, du lịch biển Hải Tiến... cùng nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tỉnh cũng đang tổ chức sự kiện Hoa hậu Hòa bình Việt Nam nhằm lựa chọn ra người đi thi Hoa hậu Hòa bình thế giới.
Hàng loạt chuỗi du lịch hàng đầu thế giới đã tập trung ở Việt Nam
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết trong những năm qua Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng tưởng du lịch mạnh mẽ. Nếu 2020 không có Covid ngành du lịch có thể đóng góp GDP gần 10%, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Trong những năm vừa qua ngành du lịch Việt Nam đã ghi tên tuổi trên bản đồ thế giới. Hai năm liên tiếp, Việt Nam được vinh danh điểm đến hàng đầu châu Á về ẩm thực. Về cơ sở lưu trú cho đến thời điểm này chúng ta đã tương đối hoàn thiện từ 3 sao đến 5 sao. Những thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.
"Cùng với đó, nhiều tổ hợp Dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn được phát triển bởi những tập đoàn lớn có thể thu hút đến hàng nghìn khách hàng mỗi ngày. So với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam không hề thua kém gì", ông Khánh cho biết.
Doanh nghiệp hiến kế cho du lịch Việt Nam bứt phá
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rất quan tâm tới việc kích cầu, phát triển ngành. Về phía FLC, tập đoàn cũng như Bamboo Airways đã triển khai nhiều gói kích cầu trước đó. Tại Thanh Hóa, FLC không chỉ phát triển doanh nghiệp mà còn đóng góp cho địa phương để phát triển du lịch vùng như tổ chức tọa đàm kích cầu, nhạc hội...Ngày 10/4 tới đây, tập đoàn tiếp tục tổ chức lễ hội hoa lớn nhất cả nước để thu hút du khách.
FLC dự kiến tổ chức giải thể thao như bóng chuyền bãi biển và tiến tới triển khai tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Ninh Bình... Bamboo Airways cũng triển khai hình thức nghỉ dưỡng chơi golf, hướng tới mục tiêu người dân đến đâu cũng có thể trải nghiệm môn thể thao này, xây dựng dịch vụ phù hợp với ngân sách của người dân khi tới địa phương.
Ông Quyết cũng kiến nghị 63 tỉnh thành tổ chức tọa đàm kích cầu du lịch để thu hút các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp để kích cầu du lịch cho địa phương. Mỗi vùng đều góp sức, du lịch Việt Nam sẽ phát triển đồng đều hơn. Theo đó, các lãnh đạo địa phương cần chủ động hơn trong chính sách, tìm kiếm giải pháp kích cầu du lịch. Về phía doanh nghiệp cũng cần cổ vũ, động viên và góp sức xây dựng các buổi hội nghị tìm giải pháp kích cầu để lan tỏa tinh thần này.
Còn theo ông Phạm Phú Thái - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nếu Chính phủ xác định du lịch là ngành quan trọng thì phải có định hướng để phát triển du lịch Việt Nam. Ngành du lịch có những doanh nghiệp đầu tài như Sungroup, Vingroup, FLC... đã rất kiên cường để kích cầu xây dựng thương hiệu du lịch. Chính phủ cần hỗ trợ những doanh nghiệp này, hậu thuẫn hỗ trợ để qua được cơn hoạn nạn. Bởi nếu những doanh nghiệp này khó khăn sẽ tác động mạnh đến ngành du lịch và các ngành phụ trợ khác rất lớn.
"Việc phát động cuộc thi sáng kiến phát triển ngành du lịch Việt Nam, phát động phong trào sáng kiến đưa ra các sản phẩm du lịch cụ thể, sản phẩm du lịch đặc sắc là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy ngành du lịch phát triển", ông Thái cho biết.
Cần xác định rõ là có rủi ro khi mở cửa thị trường quốc tế
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết ngày 23/3, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch. Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Nước ta dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.
Bên cạnh đó, chúng ta còn cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế. Ngoài ra, mở cửa quốc tế không chỉ phát triển du lịch mà còn thúc đẩy giao thương.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty lữ hành HanoiRedtours cho biết ngành du lịch cũng cần mở cửa thị trường du lịch quốc tế bởi thị trường này đem lại nhiều doanh thu. "Công ty của chúng tôi đã rất sẵn sàng đóng khách quốc tế. Chúng tôi đã đưa ra kịch bản. Nếu các ban, ngành chuẩn bị sẵn ba bước mở cửa thị trường hàng không thì ngành du lịch cũng chuẩn bị kế hoạch ba bước để đón khách vào Việt Nam", ông Hoan khẳng định.
Tuy nhiên, ngành du lịch cũng gặp một số khó khăn. Đầu tiên là sau hơn một năm Covid-19 diễn ra, thị trường du lịch, tâm lý du khách thay đổi. Còn du lịch quốc tế có thay đổi hay không thì hiện chưa có khảo sát, đánh giá tổng quát. Tổng giám đốc Công ty lữ hành HanoiRedtours mong muốn Tổng cục Du lịch nghiên cứu lại thị trường, nhu cầu du khách... để định hướng lại cho các công ty lữ hành.
Còn theo ông Phùng Hữu Hoàng, Phó giám đốc Văn phòng Saigon Tourist doanh nghiệp đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, các bộ, ngành cần xem lại sau Covid-19, kinh tế đi xuống, cần có cuộc khảo sát về nhu cầu điểm đến của du khách trên thế giới. Nếu họ muốn tới Việt Nam thì sẽ tới địa điểm nào và cách để thu hút họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem lại nguồn nhân lực khi Covid-19 lắng xuống.
"Tôi tin chắc ngành du lịch Việt Nam, không chỉ nội địa mà quốc tế sẽ phục hồi rất nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng tất cả doanh nghiệp du lịch đang và sẽ sẵn sàng khi có khách quốc tế tới Việt Nam", ông kết luận.
Theo ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages, rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Tuy lộ trình mở cửa cần triển khai từ từ nhưng Việt Nam cần có chính sách rõ ràng.