Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) tập trung thực hiện là công tác xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai 2024 - một dự án luật được đánh giá là có tầm quan trọng và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế. Sau quá trình tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 18/1/2024.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: “Khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai”
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, Luật Đất đai 2024 được xây dựng trên tình thần thống nhất định hướng quan điểm của Nghị quyết 18/NQ-TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Mục tiêu của dự thảo Luật là đồng thời phải giải quyết được những vấn đề định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của quốc gia; đảm bảo đất nước tiếp tục phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân; giải quyết được những vấn đề bức xúc, bất cập, tồn đọng lâu nay trong lĩnh vực đất đai.
Ý kiến đóng góp của nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội đã nêu lên những vấn đề còn bức xúc, bất cập, tồn đọng trong thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa vào Luật Đất đai (sửa đổi) để đáp ứng được những điều kiện của đất nước, của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Thực tế cho thấy, Dự án Luật Đất đai 2024 trước khi được hoàn thiện và được Quốc hội thông qua đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, chuyên gia và các doanh nghiệp. Theo đó, ngay trong giai đoạn đầu được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Dự thảo Luật Đất đai 2024 đã có hơn 12 triệu ý kiến góp ý, điều này thể hiện sự quan tâm của nhân dân đến Luật quan trọng này.
Tạo cơ chế để sử dụng, quản lý đất đai hiệu quả
Nói về định hướng xuyên suốt trong công tác xây dựng Luật Đất đai 2024, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh cho biết mục tiêu của dự án Luật là đảm bảo quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
“Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sở hữu đất, định giá đất… các chính sách về đất đai… những vấn đề này trong Luật Đất đai 2024 sẽ được giải quyết được rõ ràng”, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh nói trước Quốc hội.
Bên cạnh đó, theo ông Khánh, Luật Đất đai 2024 sẽ là cơ sở để đạt được mục tiêu quản lý và sử dụng đất đảm bảo được lợi ích của nhân dân, đồng thời nâng cao được hiệu quả quản lý Nhà nước và giải quyết các bất cập thực tế thông qua việc từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu giúp quản lý, điều hành tốt cả về diện tích, hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng.
“Thông qua Luật Đất đai 2024, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc quản lý đất đai bảo vệ quyền lợi cho người dân. Đặc biệt là việc khơi dậy tiềm năng, phát huy được cao nhất giá trị nguồn lực đất đai để phát triển đất nước”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Giá đất là động lực cho thị trường phát triển
Giá đất và xác định giá đất được xem là một trong những vấn đề nóng được nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm tại Luật Đất đai 2024.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh khẳng định trước Quốc hội về việc trong qua trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai 2024, Ban soạn thảo luôn thống nhất quan điểm định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc thị trường.
“Thị trường sẽ thay đổi liên tục nhưng phải làm thế nào để thị trường đó là thật bởi còn có thị trường ảo. Luật sẽ tạo ra cơ chế để Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định giá đất địa phương mình bởi chỉ có địa phương mới hiểu rõ giá đất của mình, có sốt ảo hay không,..”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu trước Quốc hội.
Cũng theo ông Khánh, để các địa phương tới đây sẽ quyết định giá đất của chính địa phương mình, điểm mấu chốt mà dự án Luật Đất đai 2024 đưa ra là cơ chế định hướng làm căn cứ để xác định giá đất.
Vai trò quan trọng của địa phương trong thu hồi đất
Bên cạnh giá đất, một trong những nội dung được người dân quan tâm khi góp ý dự thảo Luật Đất đai 2024 trước khi được thông qua là việc đảm bảo quyền lợi của người dân khi có đất nằm trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án có sử dụng đất.
Trước đó, đề cập đến nguyên tắc tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ được Nghị quyết 18/NQ- TW quán triệt, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Luật Đất đai 2024 sẽ đưa ra nguyên tắc chung. Trong thực tế, tái định cư còn gắn với văn hoá, cộng đồng, nhiều khi tái định cư không gắn với sinh kế, không đúng với bản sắc văn hoá thì nhân dân không ở.
Theo ông Khánh “bằng hoặc hơn” theo tinh thần của Luật Đất đai 2024 là Nhà nước sẽ đảm bảo cho người dân cơ sở hạ tầng, điều kiện tiếp cận văn hóa, kinh tế… theo khung chính sách của Luật. Còn về cụ thể thực thi chính sách ở từng địa phương thì phải gắn với tình hình thực tiễn và đời sống văn hóa của nhân dân vùng đó.
“Nhân dân luôn quan tâm đến vấn đề này, do đó chính quyền địa phương phải có những cuộc điều tra xã hội học, tiếp xúc, trao đổi và tuyên truyền cho nhân dân hiểu để nhân dân đồng thuận với những chính sách của Nhà nước và quan trọng là sinh kế của người dân” - Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh cho biết trước Quốc hội.