Quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 qua các nghị định
Sáng 5/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2024, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu lãnh đạo các sở tài nguyên và môi trường của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc bộ tập trung phổ biến 4 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024; trong đó quyết tâm đưa những nội dung mới mang tính đột phá của luật (như vấn đề điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; giá đất...) sớm đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, Quốc hội quyết nghị Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai năm 2024 quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung, tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…
Để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), ông Đỗ Đức Duy cho biết, trong thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 4 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với luật.
Các nghị định bao gồm: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư được giao trong luật.
“Đây là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Cần phân tích rõ các nội dung, điểm mới có liên quan trực tiếp đến các địa phương
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý, cùng với các quy định của luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành cũng đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.
Để sớm đưa Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, thông qua Hội nghị “Phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2024", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các báo cáo viên được phân công trình bày các nghị định phải bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung; trong đó, tập trung phân tích rõ các nội dung trọng tâm, các điểm mới có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành tại địa phương.
Trên cơ sở đó, các đại biểu (lãnh đạo các sở tài nguyên và môi trường tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước) tham dự hội nghị tập trung lắng nghe, theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung còn chưa rõ để đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn.