Trước thông tin về việc dự án sửa chữa cầu Thăng Long sử dụng công nghệ và nhà thầu Trung Quốc, Đại diện Bộ GTVT xác nhận thông tin này không chính xác.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, khi lên phương án sửa chữa cầu Thăng Long lần này, Bộ GTVT đã nghiên cứu rất nhiều công nghệ của Mỹ và của Nga, tuy nhiên chính chuyên gia của các nước bạn khi sang khảo sát đều không đưa ra được cam kết đảm bảo chắc chắn sửa chữa triệt để công trình; và những giải pháp họ để xuất kèm theo chi phí vô cùng đắt đỏ.
Với những trở ngại như vậy, và xác định đây là dự án rất quan trọng, cấp bách đối với giao thông của Thủ đô Hà Nội và kết nối giao thông cửa ngõ Thủ đô với các tỉnh miền núi phía Bắc, được dư luận nhân dân quan tâm đặc biệt; nhóm chuyên gia hàng đầu về cầu đường tại Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm rất kĩ lưỡng để đưa ra quyết định ứng dụng công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC để sửa chữa cầu Thăng Long với sự tham gia góp ý, phản biện, tư vấn của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đây là công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại Châu Âu và đã được tiến hành đưa vào áp dụng tại Hà Lan từ năm 2003, sau đó được áp dụng sửa chữa rộng rãi với các công trình tại nhiều nước trên thế giới với độ tin cậy và chất lượng cao, bền vững, ví dụ: Cầu Caland (Hà Lan) - sửa năm 2003; Cầu Moerdijk (Hà Lan) - sửa năm 2005; Cầu Hagenstein (Hà Lan) - sửa năm 2005; Cầu illzach Pháp - 2011; Cầu Ohira - Nhật Bản; Cầu Shonan Ohashi - Nhật Bản; Cầu Mã Phòng, Cầu Hong Tang, Cầu Đông Tỉnh - Trung Quốc.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, công nghệ UHPC cũng đã được nghiên cứu đưa vào tiêu chuẩn Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu biện pháp thi công, nhóm nghiên cứu đã trực tiếp đến học tập và nghiên cứu phương án tổ chức thi công tại các quốc gia đã ứng dụng công nghệ trên. Cầu Thăng Long chính thức được sửa chữa từ ngày 16/8/2020 và dự kiến đưa vào khai thác trong quý IV năm 2020.
Vừa qua, ngoài trạm trộn bê tông siêu tính năng và xe chuyên dụng được nhập khẩu từ Châu Âu thì đơn vị nhà thầu thi công trong nước có nhập một số thiết bị từ Trung Quốc phù hợp đúng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho công tác thi công. Về nguyên tắc, phía bán hàng hỗ trợ bên mua một số cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ chuyển giao, vận hành.
Tuy nhiên do dịch bệnh Covid -19 nên đội ngũ kĩ thuật này chưa sang được Việt Nam, nhưng đến thời điểm hiện nay, kĩ sư của chúng ta đã có thể vận hành các thiết bị phục vụ cho dự án; với tinh thần ko để bất kì lý do gì làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị thi công trong nước nếu cần thiết có thể họp và trao đổi trực tuyến với chuyên gia các nước để thống nhất phương án thi công.
"Một lần nữa xin khẳng định đây là công nghệ châu Âu, được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và do chính người Việt Nam tổ chức thực hiện", đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.