Theo ông Nguyễn Văn Lợi, trong định hướng quy hoạch tỉnh sẽ bổ sung vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng với diện tích 200ha tại huyện Dầu Tiếng. Việc lập dự án xây dựng sân bay sẽ phục vụ tốt việc phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trước đây, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch khu đất sân bay quốc phòng tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 50ha. Việc quy hoạch này cũng đã có trong danh mục công trình thu hồi đất năm 2023 huyện Dầu Tiếng theo Quyết định số 415 ngày 22/02/2023 của UBND tỉnh.
Từ chủ trương này, trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2023 và tầm nhìn 2045 của huyện Dầu Tiếng, tỉnh đưa vào danh mục quy hoạch sân bay lưỡng dụng và bổ sung diện tích sử dụng đất lên đến 200 ha.
Bên cạnh quy hoạch sân bay, Bình Dương đang đầu tư hạ tầng giao thông đường sông, đường sắt để kết nối vùng. Một số dự án trọng điểm như: Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước), đường ven sông Sài Gòn từ TP. Thủ Dầu Một đến TP. Thuận An kết nối với TP.HCM, cảng An Tây (thị xã Bến Cát, Bình Dương)...
Đồng thời phát triển hệ thống đường sắt hàng hóa từ Bàu Bàng về cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và hệ thống đường sắt đô thị từ Suối Tiên về thành phố mới Bình Dương.
Để phát triển huyện Dầu Tiếng nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung, UBND tỉnh Bình Dương đã lập báo cáo “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ Núi Cậu gắn liền với hồ Dầu Tiếng” giai đoạn 2021 - 2030. Đây là đề án trọng điểm trong chiến lược quy hoạch phát triển nhóm ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Ở giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch quần thể di tích Núi Cậu có tổng diện tích khoảng 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ ở khu vực xã Định Thành thành khu du lịch sinh thái gắn liền hồ Dầu Tiếng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách.