Ngày 11/12, ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - cho biết, địa phương đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong bối cảnh “cung không đủ cầu”.
Theo đánh giá của Bình Dương, nhu cầu nhà ở đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì số người có thể sở hữu nhà ở xã hội là 288.718 người, tương đương 288.718 căn và diện tích sàn khoảng 13.842.060 m2
Bình Dương sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư trên quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch xây dựng các Khu công nghiệp; sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các huyện, thị, thành phố thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp cũng như quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại hoặc chưa đưa vào sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Một khu nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại tỉnh Bình Dương.
Địa phương này sẽ dùng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Dự kiến nhu cầu về vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 để phát triển nhà ở xã hội ở Bình Dương khoảng 45.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Bình Dương bố trí quỹ đất tại khu công nghiệp, dự kiến bố trí khoảng 700-900 ha từ các dự án quy hoạch khu công nghiệp mới và rà soát các khu công nghiệp đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng hết diện tích đất.
Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (khoảng 100 ha) từ 32 dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
Đặc biệt, Bình Dương sẽ dùng quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội do thu hồi đất từ các cơ sở sản xuất di dời ra các khu công nghiệp, các khu công nghiệp hết thời gian hoạt động (khoảng 200ha).
Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa ban hành quyết định thu hồi gần 10.000m2 đất công tại phường Bình An (TP Dĩ An) của Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Bình Dương. Lý do thu hồi vì diện tích này là đất nhà nước cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn. Sau khi thu hồi, diện tích trên được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Dĩ An quản lý.
UBND tỉnh Bình Dương giao TP Dĩ An chỉ đạo các đơn vị tiến hành các thủ tục bàn giao quyết định thu hồi đất cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không nhận quyết định hoặc vắng mặt thì lập biên bản, niêm yết tại trụ sở UBND phường, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.
Được biết, toàn tỉnh Bình Dương có gần 3.000 doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phải di dời hoặc chuyển đổi công năng với diện tích đất đang sử dụng gần 1.800 ha.