"Năm 2022 tưởng đã là đáy của thị trường biệt thự và nhà liền kề, nhưng sau 9 tháng năm 2023, còn khoảng cách rất xa để đuổi kịp năm 2022", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills nhận định.
Thị trường biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội và Tp.HCM tiếp tục trải qua một quý trầm lắng, hạn chế về cả nguồn cung và lượng giao dịch.
Tại Hà Nội, dữ liệu của Savills cho thấy, thị trường không có thêm dự án mới, chỉ có 30 căn mới từ dự án hiện hữu ở Thanh Trì. Nguồn cung mới giảm 76% theo quý và 94% theo năm. Nguồn cung sơ cấp đạt 724 căn đến từ 15 dự án.
Trong khi đó, lượng giao dịch đạt 101 căn , giảm 5% so với quý trước và 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng tồn kho giá cao khiến giá sơ cấp của tất cả loại hình sản phẩm đều tăng. Giá biệt thự sơ cấp trung bình tăng 3% theo quý lên 103 triệu đồng/m2 đất . Giá nhà liền kề cải thiện 9% theo quý lên 190 triệu đồng/m2, trong khi giá shophouse tăng 6% theo quý.
Tại TP.HCM, nguồn cung cũng không có thêm dự án mới nào. Nguồn cung sơ cấp chạm mức thấp nhất trong mười năm qua với 766 căn , giảm 24% theo quý và 5% theo năm. Thành phố Thủ Đức chiếm 88% tổng nguồn cung sơ cấp. Các sản phẩm có giá trên 30 tỷ đồng/căn chiếm 86% nguồn cung.
Lượng giao dịch biệt thự, nhà phố tại thị trường TP.HCM còn thấp hơn so với Hà Nội, chỉ đạt 64 căn , chạm đáy kể từ năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ dừng ở mức 8%.
Các chủ đầu tư tiếp tục thận trọng và thậm chí tạm ngưng bán hàng, hạn chế tiếp thị và trì hoãn mở bán các dự án mới cho đến năm sau. Bốn dự án đang mở bán từ quý trước đã tạm ngừng bán trong quý này để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chờ đợi sự hồi phục của thị trường và chờ tiến độ hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh.
Trong 3 tháng cuối năm, dự báo thị trường Hà Nội sẽ có thêm 528 căn đến từ 5 dự án, TP.HCM có thêm 200 căn mới được bán ra thị trường.