Bị siết nợ nghìn tỷ, chủ dự án 34 Đại Từ làm ăn ra sao?

Trong 3 năm tài chính trở lại, lợi nhuận của Ngọc Linh liên tục suy giảm, nhà máy ở Bắc Kạn bị siết nợ, trong khi số phận của 2 dự án địa ốc vẫn chưa rõ ràng.

2 dự án địa ốc hé lộ đại gia khoáng sản

Đã từ lâu, người dân quận Hoàng Mai không còn xa lạ với cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, sản xuất hóa chất cơ bản tọa lạc tại số 34 phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo tìm hiểu, lô đất này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Ngọc Linh.

Thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư thành phố, Ngọc Linh đã lên kế hoạch di dời nhà xưởng và đáng chú ý hơn, doanh nghiệp này đã được UBND thành phố chấp thuận về chủ trưởng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở để xây dựng công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ, văn phòng làm việc và nhà ở tại lô đất kể trên.

Không có nhiều thông tin về dự án bất động sản này. Dù vậy, một thông tin đăng tải từ phía CTCP Vinaconex 2 (nay là CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2) cho hay, doanh nghiệp vào tháng 11/2019 đã ký Hợp đồng nguyên tắc "Thực hiện tổng thầu EPC dự án Ngọc Linh Plaza" và Hợp đồng "Tổng thầu EPC giai đoạn 1" với Công ty TNHH Ngọc Linh để thực hiện tổng thầu EPC dự án Ngọc Linh Plaza, một tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng, căn hộ chung cư cao cấp 35 tầng với quy mô hơn 7.000 m2.

Trước đó 2 tháng, cụ thể là ngày 5/8/2019, Ngọc Linh đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại số 151 Yên Phụ (nay là số 161 Yên Phụ), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Dự án nhiều năm chưa khởi công do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu, cuối năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 9766/QĐ-UB về việc cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh làm thủ tục nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh tại 151 Yên Phụ.

Đến ngày 13/7/2007, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 2867/QĐ-UB cho phép Ngọc Linh sử dụng 3.931 m2 đất tại 151 Yên Phụ để thực hiện dự án Xây dựng khu cây xanh kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ có tính chất kinh doanh. Cụ thể, trong tổng số diện tích này, có 1.530 m2 đất giới hạn để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ công có tính chất kinh doanh (trong đó có 312 m2 đất giới hạn để xây dựng công trình, tuyệt đối không được xây dựng nhà ở bán và cho thuê); 1.931 m2 đất chỉ được phép sử dụng tạm thời làm sân thể thao, bãi đỗ xe;…

Sở hữu 2 dự án bất động sản tại Hà Nội, giới đầu tư không khỏi bị thu hút về thân thế của Công ty TNHH Ngọc Linh. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Ngọc Linh có tuổi đời khá lâu, hoạt động từ năm 1993, đóng trụ sở tại số 381, đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giám đốc/Người đại diện là ông Vũ Đức Tuấn (SN 1953). Ngoài ra, ông cũng là cổ đông lớn nhất góp 94,98% vốn Ngọc Linh; cổ đông còn lại nắm 0,02% là bà Trần Thị Vui – cá nhân cùng hộ khẩu với ông Tuấn, và ông Nguyễn Duy Phước (5%).

Bị siết nợ nghìn tỷ, chủ dự án 34 Đại Từ làm ăn ra sao? - Ảnh 1.
Ông Vũ Đức Tuấn (thứ ba từ trái sang) - Cổ đông lớn nhất tại Ngọc Linh. Ảnh: Vina2

Trở lại với Ngọc Linh, ngoài 2 dự án đề cập phần đầu bài viết, doanh nghiệp còn sở hữu Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (diện tích 643.885,2 m2, thời hạn sử dụng đến ngày 26/9/2057). Dự án có công suất 30.000 tấn/năm, được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có là 180 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Đến năm 2018, dự án này đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 8, tổng vốn đầu tư tăng lên 2.170 tỷ đồng (vốn góp của Công ty là 355,8 tỷ đồng, chỉ chiếm 16%).

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2018, Công ty TNHH Ngọc Linh đưa Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn công suất 35.000 tấn/năm vào chạy thử 2 lần, nhưng sau đó dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu và phải hiệu chỉnh lại các chỉ tiêu công nghệ, sửa chữa thiết bị…. Đến tháng 7/2019, nhà máy đã đưa dây chuyền thiêu kết quặng, dây chuyền xử lý thu hồi axit sunfuaric đi vào hoạt động và đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, Ngọc Linh thừa nhận khó khăn do chưa được cấp mỏ để hoạt động, trong khi quá trình đầu tư xây dựng nhà máy đã cạn kiệt nguồn vốn. Thời điểm này, công ty đang thu mua quặng ở khắp nơi để phục vụ tuyển thử, hiệu chỉnh máy móc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sở hữu quyền khai thác mỏ Bó Liều theo giấy phép khai thác số 1094a/GP-UBND ngày 21/6/2011 của tỉnh UBND Bắc Kạn. Theo tìm hiểu, mỏ này có diện tích khai thác 102,5 ha; trữ lượng được khai thác 80.000 tấn quặng chĩ kẽm; công suất khai thác 20.000 tấn/năm.

Ngoài ra, Ngọc Linh còn hợp tác cùng CTCP May Trúc Minh góp vốn thành lập Công ty TNHH Liên doanh Ngọc Linh – Trúc Minh vào tháng 7/2020 với tỷ lệ lần lượt là 59% và 41%.

Tình hình kinh doanh của Ngọc Linh

Mặt dù sở hữu nhiều dự án là vậy, nhưng giới đầu tư không khỏi bất ngờ khi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm lên tới 2.164 tỷ đồng.

Bị siết nợ nghìn tỷ, chủ dự án 34 Đại Từ làm ăn ra sao? - Ảnh 2.
BIDV đấu giá khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng của Công ty Ngọc Linh

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh tại BIDV bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ đến ngày 28/12/2020 là 2.404 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 1.385 tỷ, gồm 1.110 tỷ đồng và 11.887 USD. Dư nợ lãi, phí phạt là 1.019 tỷ đồng.

Giá trị của khoản nợ đấu giá bao gồm: nợ gốc, lãi vay và lãi phạt tính đến ngày 30/11/2020 là 2.392,7 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gồm 1.110 tỷ đồng và hơn 11,8 triệu USD (tương đương hơn 276,5 tỷ đồng); dư nợ lãi, phí phạt hơn 857 tỷ đồng và hơn 6,4 triệu USD (tương đương 149 tỷ đồng).

Vì lẽ đó, giới đầu tư đã đặt ra nhiều băn khoăn về tình hình tài chính của Ngọc Linh.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, doanh thu thuần của Ngọc Linh (công ty mẹ) biến động mạnh trong giai đoạn 2017 – 2019 khi giảm sâu xuống còn 5,3 tỷ đồng vào năm 2018 từ mức gần mức 37 tỷ đồng của năm 2017; và sau đó phục hồi trở lại vào năm 2019 khi đạt gần 51 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận thuần công ty lại vận động theo xu hướng liên tục suy giảm. Cụ thể, lãi thuần công ty năm 2017 là 505 triệu; năm 2018 đạt 144 triệu và đến năm 2019 thì giảm xuống hơn 730 triệu đồng.

Với bối cảnh số phận 2 dự án bất động sản vẫn chưa rõ ràng, dự án Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn cho đến tháng 7/2019 vẫn chưa hoạt động suôn sẻ (sau hơn 10 năm xây dựng), không khó hiểu khi lãi thuần doanh nghiệp liên tục suy giảm.

Trở lại với tình hình tài chính Ngọc Linh, trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tính đến ngày 31/12/2019 đạt 3.230 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% so với số đầu kỳ. Cấu thành chủ yếu tài sản doanh nghiệp là nợ phải trả 2.028,5 tỷ đồng (chiếm 62,8%), phần 37,2% còn lại là vốn chủ sở hữu 1.201,5 tỷ.

Bị siết nợ nghìn tỷ, chủ dự án 34 Đại Từ làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Một số doanh nghiệp khác liên quan đến Ngọc Linh cũng không có kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, CTCP Đầu tư Trường An Hải Phòng – doanh nghiệp do ông Vũ Đức Tuấn nắm 65%, trong năm 2019 không có doanh thu và lỗ 4 triệu đồng. Tương tự, Công ty TNHH MTV Đầu tư Nhà Hoàng Mai – công ty con của Ngọc Linh, cũng không có doanh thu trong năm 2019 và lỗ hơn 3,1 triệu đồng.

Bị siết nợ nghìn tỷ, chủ dự án 34 Đại Từ làm ăn ra sao? - Ảnh 4.