Bị nghi ngờ về năng lực tài chính, “ông chủ” Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch rút khỏi dự án 19.000 tỷ đồng ở Hà Nội

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trả hồ sơ dự án khu đô thị mới Đan Phượng cho Tổng công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex, nay là WTO), trước đó nhiều bộ, ngành cũng băn khoăn về năng lực tài chính và việc giao 145ha đất cho nhà đầu tư.

Loạt dự án đầu tư dang dở

Mới đây, Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng bất ngờ có văn bản xin rút lại hồ sơ dự án khu đô thị mới Đan Phượng tại các xã Hạ Mỗ, xã Tân Hội, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội (khu đô thị mới Đan Phượng) sau gần 2 năm nộp hồ sơ theo đuổi dự án.

Điều đáng lưu ý là đề xuất rút khỏi dự án được Tổng công ty WTO đưa ra sau khi các bộ, ngành trung ương và TP Hà Nội cơ bản hoàn thành thẩm định dự án, chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo hồ sơ dự án, khu đô thị mới Đan Phượng có quy mô sử dụng đất 145ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.128 tỷ đồng, dân số khoảng 13.800 người.

Đánh giá về năng lực tài chính của nhà đầu tư WTO, Bộ Tài chính cho biết theo pháp luật đất đai vốn sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án khu đô thị mới Đan Phượng không thấp hơn 2.869 tỉ đồng.

Nhà đầu tư WTO đề xuất huy động khoảng 3.002 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có từ nguồn tiền mặt, tiền tích lũy của doanh nghiệp và vốn góp của cổ đông.

Bộ Tài chính cho rằng, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty WTO tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2021 là 13.008 tỷ đồng, lớn hơn số vốn tổng công ty phải góp vào dự án khu đô thị mới Đan Phượng, nhưng vốn lưu động ròng thể hiện khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn của tổng công ty là 97,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức vốn góp tối thiểu phải góp vào dự án theo quy định pháp luật.

photo-1702636297143

Một góc dự án Kim Chung - Di Trạch.

Hơn nữa, hiện Tổng công ty WTO đang đầu tư dở dang nhiều dự án khu đô thị khác như: Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch quy mô 140ha, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội; dự án tòa nhà văn phòng 737-739 Trần Hưng Đạo (TP.HCM); dự án khu 2 Bình Chánh, TP.HCM…

Đây cũng là những dự án mà nhà đầu tư WTO phải đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu tham gia dự án theo quy định pháp luật, tương đương 15% tổng vốn đầu tư dự án.

Băn khoăn về năng lực tài chính của WTO

Bộ Tài chính cho biết, để có vốn làm dự án khu đô thị mới Đan Phượng, tháng 3/2022 Tổng công ty WTO thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng để thực hiện khu đô thị mới Đan Phượng. Tuy nhiên, hồ sơ dự án chưa có tài liệu chứng minh tính khả thi phương án tăng vốn.

“Nhà đầu tư đề xuất dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của hồ sơ đề xuất dự án khu đô thị mới Đan Phượng”, Bộ này nêu.

Bên cạnh đó, trong văn bản, Bộ Tài chính cho biết, theo hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, WTO dự kiến huy động 7.238 tỷ đồng từ khách hàng để thực hiện dự án, song hồ sơ đề xuất dự án lại chưa thuyết minh rõ việc huy động vốn để thực hiện dự án. Do vậy, chưa có cơ sở để đánh giá về tính khả thi của việc huy động vốn này.

Về phân kỳ đầu tư dự án thành 4 giai đoạn, kéo dài 9 năm theo Bộ Tài chính cần rà soát lại.

Theo Bộ Xây dựng, khu đô thị mới Đan Phượng có cơ cấu đầu tư sơ bộ gồm 2.834 căn nhà, trong đó có 2000 căn nhà ở thương mại (1.516 liền kề và 484 nhà biệt thự) và 834 căn chung cư nhà ở xã hội. Trong khi theo quy định của Luật Nhà ở đối với đô thị đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê, do đó bộ đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu TP Hà Nội rà soát lại nội dung này của dự án.

Cũng theo Bộ Xây dựng thì dự án khu đô thị mới Đan Phượng chưa đủ điều kiện áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì hồ sơ đề xuất dự án không thể hiện dự án thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt, không có trong danh mục kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố.

Tuy nhiên, TP Hà Nội lại cho rằng việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khu đô thị mới Đan Phượng là có cơ sở, chấp thuận được vì dự án thuộc danh mục các dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa năm 2023 đã được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua, khu đất thực hiện dự án chưa giải phóng mặt bằng nên không đủ điều kiện tổ chức đấu giá.

Về tình hình kinh doanh của Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng bán niên năm 2023, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 275 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kỳ trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 0,19 lần.

Chủ đầu tư dự án Kim Chung - Di Trạch có tổng tài sản “vượt mặt’ Đất Xanh, Nam Long, Phát Đạt,... - Ảnh 1.

Tại thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng đạt 14.730 tỷ đồng, tăng hơn 633 tỷ đồng so với kỳ trước. Kết thúc kỳ, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của WTO đạt 35.794 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu là 6.923 tỷ đồng. Giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 50.500 tỷ đồng.