Bi kịch nhà đầu tư bất động sản: Trong tay nắm loạt nhà đất nhưng vẫn phải "chạy ăn từng bữa"

Đó đang là tình cảnh của không ít nhà đầu tư bất động sản ở giai đoạn này. Nhiều người thất nghiệp, rao bán tài sản nhằm trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng không bán được.

Vốn là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường bất động sản, chị H (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) than vãn với chúng tôi: “Nay phải chạy ăn từng bữa em ạ!”.

Chị cho biết, hiện muốn bán bớt một số đất nền tại khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM nhưng rao mãi chưa ai mua. Vào năm 2021 chị mua mảnh đất 2.4 tỉ đồng/nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện rao bán 1.9 tỉ đồng nhưng chưa ai hỏi mua. Công việc chính của vợ chồng chị H là đầu tư bất động sản. Vì thế, khi không bán được tài sản, không có giao dịch, cuộc sống của chị lâm khó khăn.

Được biết, hiện chị H có 2 căn nhà (shophouse) cho thuê hàng tháng. Tuy nhiên, số tiền thuê nhà không đủ để trả nợ lãi – gốc khoản vay ngân hàng. Vì thế, mấy tháng qua, gia đình chị gặp khó tài chính, xoay sở khắp nơi.

“Nói thực, trước đây, tài chính từ đầu tư bất động sản khá dư giả. Gia đình thường xuyên đi du lịch. Số tiền kiếm được lại tái đầu tư vào bất động sản. Khoảng gần một năm nay, việc đầu tư đứng lại khiến kinh tế gia đình khó khăn, mình phải chạy ăn từng bữa”, chị H chia sẻ.

Trường hợp như chị H không hiếm. Bên cạnh các nhà đầu tư có vốn mở quán cafe, cửa hàng ăn uống… thì không ít nhà đầu tư “vật vờ” vì không có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, có khá nhiều trường hợp đi “vay nóng” để trả ngân hàng, cố gồng tài sản trong lúc thanh khoản yếu.

Từng nhiều lần rao bán tài sản để trả nợ các khoản vay ngân hàng nhưng anh Minh (là nhà đầu tư bất động sản lâu năm ngụ tại khu Đông Tp.HCM) vẫn không thể bán được. Mặc dù vừa là một môi giới kiêm nhà đầu tư, anh Minh có nhiều mối quan hệ nhưng vẫn khó chốt được giao dịch thời điểm này.

Theo anh Minh, mức lợi nhuận bán ra chỉ nhích nhẹ nhưng vẫn khó tìm người mua. Có thể phải điều chỉnh giá xuống nữa để ra được hàng.

Với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, nguồn vốn ít nên khó khăn bủa vây. Họ là những nhà đầu tư “tay ngang”, vào thị trường bất động sản theo dạng lướt sóng. Vì thế, khi không có giao dịch những nhà đầu tư thường “chới với” nhất. Đặc biệt, với những nhà đầu tư sử dụng vốn vay ngân hàng cao.

Ghi nhận cho thấy, sau thời điểm Tết nguyên đán, nguồn hàng “ngộp” hay thanh lý ngân hàng xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang cần rao bán gấp tài sản. Mức rao bán đã giảm tương đương từ 10-30% so với giá thị trường. Đây cũng là mức giảm lợi nhuận kì vọng của nhà đầu tư.

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, thời điểm sau Tết rất có thể có đợt giảm giá bất động sản mạnh, rơi vào các nhóm đầu tư dùng đòn bẩy ngân hàng “quá sức”. Phải qua hết quý 2/2023, thị trường bất động sản mới có thể hồi phục nhẹ. Thanh khoản rơi vào các nhóm sản phẩm “ngộp giá” do nhà đầu tư bán ra. “Tuy nhiên, vị trí sản phẩm phải tốt. Bởi đây là giai đoạn người mua có nhiều sự lựa chọn”, ông Quang nhấn mạnh.