Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư và khách thuê tiềm năng không thể trực tiếp đến tham quan và khảo sát các dự án ở các tỉnh khác cũng khiến BĐS công nghiệp gặp trở ngại. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng cộng đồng và những hứa hẹn về chương trình hộ chiếu vắc xin đang tạo niềm tin cho các chủ sở hữu bất động sản cũng như các nhà đầu tư. Với những trở ngại mà phân khúc này phải đối mặt, bất động sản công nghiệp đang phải tiếp tục cuộc chiến của mình trong làn sóng đại dịch thứ tư này.
Theo Trading Economics, trong tháng 6/2021 hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 11,8% trong tháng 5. Điều này đánh dấu mức tăng trưởng của sản lượng công nghiệp trong bốn tháng liên tiếp do đại dịch Covid-19, với sản lượng sản xuất , đạt mức 11,6% so với 14,4% trong tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo IHS Markit, chỉ số PMI Manufacturing (Quản lý thu mua sản xuất) của Việt Nam đã giảm từ mức 53,1 vào tháng 5/2021 xuống còn 44,1 vào tháng 6/2021.Ông John đánh giá thêm, chỉ số quản lý thu mua sụt giảm đã cho thấy hoạt động kinh doanh gặp khó khăn lớn nhất kể từ tháng 5/2020 và con số này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng kéo dài 6 tháng, giữa lúc đất nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và đóng cửa công ty tạm thời bởi làn sóng thứ tư của đại dịch. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm và giảm mạnh nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan.
Đây cũng là lần đầu tiên số lượng việc làm giảm sau 5 tháng. Hơn nữa, đại dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng, dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào vẫn ở mức rõ rệt và các doanh nghiệp đã tăng nhẹ giá bán. Nhìn chung, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới.
Hơn hai tháng kể từ làn sóng đại dịch lần thứ tư được đánh giá có tác động nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trên toàn bộ cá mặt kinh tế, y tế, xã hội. Tính đến ngày 21/7/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã ghi nhận tổng số hơn 62.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 11.500 ca đã hồi phục và xuất viện.
Hầu hết các trường hợp lây nhiễm cộng đồng mới nhất được báo cáo xảy ra ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre và Khánh Hòa. Chính quyền Tp.HCM đã cho đóng cửa một số nhà máy tại Khu công nghệ cao Tp.HCM, trong đó có khu phức hợp Samsung, sau khi phát hiện hơn 700 ca nhiễm từ một nhà máy ở đây.
Hiện các nhà máy trong khu công nghệ cao buộc phải cho công nhân vào ở và sinh hoạt ngay tại cơ sở để tiếp tục duy trì hoạt động. Hơn nữa, chính quyền Hà Nội đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như nhà hàng, quán cà phê và tiệm cắt tóc từ ngày 13/7 do số ca nhiễm gia tăng.
Chính quyền của 9 tỉnh, thành phố đã ra thông báo hủy các chuyến bay đến và đi từ Tp.HCM và áp dụng các biện pháp hạn chế đối với những người ra vào thành phố. Trung tâm kinh tế phía Nam sẽ tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 cho đến khi có thông báo mới do số ca nhiễm gia tăng. Hơn nữa, vắc xin Moderna Covid-19 đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và là vắc xin thứ 5 được phê duyệt sau Oxford-AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.
Thêm vào đó, Việt Nam dự kiến sẽ thử nghiệm hộ chiếu vắc-xin vào mùa hè này, nơi những du khách nước ngoài đã tiêm vắc-xin sẽ được phép cách ly trong 7 ngày thay vì yêu cầu 21 ngày như hiện nay. Việc thử nghiệm sẽ được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang- Phú Quốc và du khách nước ngoài phải tự cách ly thêm bảy ngày sau 1 tuần cách ly tập trung.