Bất ngờ với con số 'khủng' nhân viên môi giới nhà, đất bị nghỉ việc

Theo thống kê, trong phạm vi một phân khúc, số lượng nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống là vô cùng nhiều.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023: “Cùng doanh nghiệp “vượt sóng””, mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, bằng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của số đông thị trường. Đặc biệt, số lượng hàng tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp.

Ông Đính nhận định, giá nhà, đất hiện tại đang bị đẩy lên quá cao, bỏ xa khả năng thanh toán của người dân. Trong khi đó, nguyên vật liệu xây dựng, chi phí xăng dầu, máy móc, nhân công,… để phát triển dự án bất động sản thì đang đình trệ vì dòng tiền bị “khóa van”.

Trước tình trạng khó khăn như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, cho nhân viên nghỉ việc bớt, để giảm áp lực tài chính.

Đáng chú ý, theo thống kê của VARS, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.

Bất ngờ với con số khủng nhân viên môi giới nhà, đất bị nghỉ việc - Ảnh 1.

Trong tình cảnh hiện tại, nhiều dự án đang triển khai phải tạm dừng, nhân viên môi giới bất động sản phải nghỉ việc bớt để giảm áp lực tài chính cho công ty.

Trong khi đó, nhiều môi giới cho biết, vài tháng qua, thị trường hầu như không có giao dịch thực nên họ phải chịu lỗ với các khoản chi phí quảng cáo đã đổ ra. Quá chán nản, nên nhiều người đã bỏ nghề, đội, nhóm tan rã .

Tuy nhiên, nhiều môi giới lâu năm cho biết, số đông đồng nghiệp bỏ nghề là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu với nghề và chưa thể nắm bắt, dự đoán được các biến cố của thị trường. Vì thế, khi thị trường đi xuống là họ lại chuyển sang ngành khác để kiếm sống.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) nhận định, cái khó của thị trường ở thời điểm này là tâm lý lo ngại đang bao trùm thị trường. Do đó, các công ty mới thành lập hoặc lập được vài năm nhưng bán hàng không được đã rục rịch giải thể hoặc nguy cơ giải thể rất cao

Minh chứng là số liệu từ báo cáo của UBND TP HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, có 1.935 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể . Trong đó, kinh doanh bất động sản có 142 doanh nghiệp, chiếm 7,36%.

Đưa ra đề xuất về giải pháp cải thiện thị trường bất động sản thời gian tới, ông Đính cho biết, Chính phủ, Quốc hội đang đẩy mạnh việc sửa đổi các luật để khắc phục các bất cập, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Nhưng thời gian chờ luật khá lâu, vì vậy cần thiết có tháo gỡ theo hướng có cơ chế đặc thù.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VARS cho rằng, cần nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, trên cơ sở Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát. Đặc biệt là cho những dự án cần thiết, cấp thiết cho xã hội; những dự án để khuyến khích nguồn hàng phù hợp cho người dân như nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.